Khơi thông thị trường nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19
Kích cầu tiêu dùng nội địa
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đại dịch làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại của thị trường nội địa.
Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, vượt qua khó khăn gây ra bởi dịch Covid-19, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2020 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức hai đợt khuyến mại tập trung vào tháng 6, 7 và tháng 11, thay vì chỉ tổ chức vào tháng 11 như mọi năm.
Cùng với đó, các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa với 54 tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ"... được tổ chức, nhằm khơi thông thị trường nội địa.
Hà Nội đã tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 |
Chia sẻ về những giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa của Thủ đô Hà Nội, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng loạt chương trình: Hội chợ hàng Việt Nam, tuần hàng Việt Nam, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, khu công nghiệp... vừa giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vừa giúp người dân có cơ hội mua sắm hàng hóa với mức giá ưu đãi.
Bên cạnh đó, thành phố và các doanh nghiệp bán lẻ lớn, như: Hapro, BRG, Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart…; Các siêu thị điện máy như: MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.
Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, qua chương trình khuyến mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa, Co.opmart có thêm nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa, nông sản địa phương vào hệ thống siêu thị lâu dài, ổn định.
Đặc biệt, mới đây, hệ thống thương mại Thủ đô đã hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản tồn đọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Những con số này cho thấy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, việc đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa đã góp phần giúp nhà sản xuất vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan nhận định.
Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn
Việc tăng trưởng doanh thu hàng hóa, thương mại, dịch vụ và đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cho thấy các giải pháp kích cầu thị trường nội địa mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển trong tương lai.
Thống kê của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, thời gian qua, vượt qua những tác động xấu của dịch Covid-19, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội năm 2020 vẫn tăng 7,9% so năm 2019. Hai tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả tích cực trên có được là nhờ sự linh hoạt ứng phó của thành phố Hà Nội trong tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa.
Giải pháp kích cầu thị trường nội địa mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển trong tương lai |
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công thương Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 để đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Mục tiêu là thu hút 1.000 - 2.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố, gồm: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển, viễn thông, hệ thống ngân hàng…
Cùng với đó, Sở tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hình thức khuyến mại trên quy mô lớn, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
“Thành phố hiện có hơn 284.000 doanh nghiệp, cùng mạng lưới phân phối hiện đại. Với 10,3 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Vì thế, các chương trình khuyến mại được kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu mua sắm, từ đó kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2021”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và bối cảnh có dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.
Trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khai thác thị trường nội địa tiếp tục là hướng đi được Hà Nội chú trọng để khơi thông thị trường, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.
Dù có nhiều dư địa nhưng yếu tố căn cơ, lâu dài bảo đảm cho sự phát triển bền vững vẫn là cộng đồng doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Muốn vậy, doanh nghiệp nên đầu tư bài bản, để sản phẩm làm ra ngày càng chất lượng, giá cả hợp lý.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có độ mở lớn thì vấn đề này càng quan trọng để hàng hóa nội địa có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập ngay trên “sân nhà”.
Để mở rộng kênh tiêu thụ, đồng thời thích ứng với tình hình mới, doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử... Làm được như vậy thì dù gặp khó khăn, trở ngại gì, thị trường tiêu thụ trong nước vẫn luôn là “bến đỗ” an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp.