"Không làm mà vẫn có ăn", kiếm tiền từ Tinder và những mối nguy từ video về lối sống độc hại
Giới trẻ hiện đại đang lựa chọn lối sống cô đơn Lối sống tối giản quay trở lại với giới trẻ Bí quyết giúp giới trẻ theo đuổi lối sống lành mạnh, đơn giản, tiện lợi |
Ảo tưởng từ việc cổ vũ lối sống độc hại
“Mình nhớ là có một lần hẹn gặp một người ở quán cà phê và người đấy có nhắn tin là ‘Anh ra muộn một lúc, em có thể chờ anh được không’. Mình mới nói là nếu anh ra muộn thì em sẽ tính tiền, cứ 1 phút em tính 100.000 đồng. Cuối cùng, người đấy ra muộn 30 phút và đưa cho mình 3 triệu đồng”. Đó là những chia sẻ của một nữ YouTuber tên Kimmie trong video có tiêu đề “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder” đang là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Trong clip kéo dài 10 phút, cô gái này lần lượt chia sẻ nhiều cách mình dùng để “bỏ túi” trong những lần đi hẹn hò với nam giới, từ đồ ăn được cung cấp miễn phí, vài trăm nghìn tiền di chuyển bằng xe công nghệ hay "thù lao" tán các cô gái khác hộ bạn hẹn, cho đến vài triệu đồng tiền "phạt" đối phương đến muộn.
“Không có nhan sắc, không có bằng cấp, mình phải dùng đến não thôi. Mình chỉ có thể dùng vận động hết tất cả cái gì mình có khả năng để kiếm tiền. Vì mình phải sống mà đúng không? Mình không thể nào mà không cần tiền được” là lý do mà chủ kênh đưa ra khi chọn "kiếm tiền" theo hình thức này.
Cộng đồng mạng sốc với content từ kênh YouTube Kimmie |
Còn trong clip "Mình leo lên vị trí này từ đâu", nữ YouTuber khẳng định: "Mình nhận ra tất cả những người không thích đi làm, những người có vấn đề với sếp, những người thường xuyên bị đuổi việc, thường xuyên nghỉ việc là vì bản thân những người đấy sinh ra là để làm chủ, làm sếp".
"Mình thực sự cảm thấy bản thân là một người rất thông thái, thông minh, từ trên trời rơi xuống. Mình rất tự hào về bản thân vì có thể xoay xở qua khoảng thời gian vài năm như vậy", người này nhấn mạnh.
Nội dung của kênh này đang bị chỉ trích nặng nề vì rao giảng lối sống độc hại, từ việc hẹn hò cho đến cách kiếm tiền, làm giàu.
Trên các nền tảng video như YouTube, TikTok, không khó để bắt gặp các video có nội dung là đưa ra lời khuyên để người xem "có cuộc sống tốt hơn". Các chủ đề vốn rất đa dạng: từ làm giàu và tự chủ tài chính, phương pháp làm đẹp, giữ vóc dáng thon gọn cho đến cải thiện đời sống tình cảm nhờ dạy cách tán tỉnh người khác giới và duy trì mối quan hệ. Chủ nhân của các clip này thường nói về quan điểm dựa trên suy nghĩ, kinh nghiệm cá nhân từng trải qua, với mục đích kể lại trải nghiệm hoặc truyền cảm hứng cho người theo dõi.
Ví dụ, nếu bạn đang buồn bã chuyện tình cảm hoặc bế tắc sự nghiệp, những clip mà YouTuber, TikToker nói về cách họ vượt qua nỗi đau, từng thất bại ra sao có khả năng xoa dịu hoặc tiếp thêm động lực.
Còn nếu trong trường hợp đang không biết xử lý tình huống hay thực hiện mong muốn, các video nói về "bí quyết để thành công", "mình đã làm được điều đó thế nào" lại là một cách để người theo dõi học hỏi, bắt chước theo. Tuy nhiên, khi người làm kiểu nội dung này đang tràn lan trên mạng xã hội, các lời khuyên trở nên nhiều vô số và đồng thời "công nghiệp" theo.
Kênh YouTube Kimmie và những video gây tranh cãi |
Khi hàng loạt luồng thông tin, trào lưu trái ngược nhau xuất hiện liên tục trên YouTube, Instagram và TikTok, người xem bỗng bối rối, không biết đâu là thứ mình nên học theo hoặc cần chống lại. Trong trường hợp xấu, chúng có thể làm lệch lạc suy nghĩ của người xem và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ngoài đời thực của họ.
Ở trong trường hợp của nữ YouTuber Kimmie, tác hại từ những lời kể của cô nàng không chỉ dừng ở mức khuyến khích lối sống thực dụng, dựa dẫm vào cả người lạ mà còn gây cái nhìn lệch chuẩn về việc chuyện hẹn hò, tình cảm, khi biến động cơ của mỗi buổi gặp mặt là "có một ít tiền mang về", thay vì nhu cầu tìm hiểu ai đó.
Lời khuyên này chỉ là một trong số rất nhiều lời khuyên cổ súy kiểu tình yêu độc hại xuất hiện trên các nền tảng video. Các clip hướng dẫn cách ghosting (quan tâm rồi đột ngột bỏ rơi đối phương) trong mối quan hệ hay gợi ý cách tìm tình một đêm thu về hàng triệu lượt lớn. Xu hướng hẹn hò #staytoxic (tạm dịch: duy trì sự độc hại) còn khuyến khích giới trẻ thu hút sự chú ý của đối phương bằng các hành vi có tính lôi kéo, thao túng tâm lý.
Đầu độc giới trẻ
Chia sẻ về câu chuyện của YouTuber Kimmie, bạn Hải Anh (sinh viên Học viện Ngoại giao) cho biết: "Mình cảm thấy bạn có một tư tưởng sai lệch và khá bất ngờ khi bạn có một sự tự tin lớn, dám chia sẻ những content phiến diện, một chiều. Mình mong rằng những bạn nữ hãy tỉnh táo và không được xem tư tưởng của Kimmie là điều đúng đắn. Hãy học, lao động bằng chính sức lực của mình".
Thùy Dương (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thì cảm nhận video mang lại là Kimmie rất tự hào về những "chiến tích" không tử tế đã làm được trong quá khứ. Thậm chí, cô còn thấy bên dưới phần bình luận của video cũng có rất nhiều người đồng tình.
"Mình không mong những tư tưởng này được lan truyền rộng rãi nên mỗi người xem hãy ấn nút báo cáo để các video mang tư tưởng lệch lạc này được loại bỏ nhanh chóng. Qua những lần lùm xùm như vậy, lượng người theo dõi và view của những YouTuber như Kimmie đều tăng nên có thể, bạn ấy sẽ thấy đó là hay và tiếp tục làm những content như thế. Như vậy sẽ gây ra những tư tưởng, văn hóa độc hại trên không gian mạng", Thùy Dương chia sẻ.
Thực tế, các chuyên gia "rởm" trên mạng xã hội chỉ khiến khán giả ảo tưởng từ lối sống cho đến các vấn đề xã hội. Ngoài ra, nhiều người chỉ đưa lời khuyên mơ hồ, thậm chí sai lệch vì thiếu kiến thức. Điều họ quan tâm nhất là dụ dỗ người xem để kiếm tiền từ các đối tượng khác.
Các bài đăng, hình ảnh hay video trên mạng tán dương hành vi độc hại đặc biệt đáng lo ngại giữa người làm nội dung và người dùng trên mạng xã hội vì mối quan hệ tương tác cận xã hội |
Với đối tượng người dùng chủ yếu của các nền tảng mạng xã hội hiện nay là thanh, thiếu niên, mối lo thế hệ trẻ bị nhiễm các tư tưởng xấu khi "lướt" mạng là vốn là điều đã được cảnh báo từ lâu. Những clip đưa ra lời khuyên về học hành, chuyện tình cảm, gây dựng sự nghiệp vốn hướng đến đối tượng người xem là nhóm tuổi trẻ hơn. Họ là những người chưa trải qua hoặc chuẩn bị bước vào giai đoạn đó của cuộc đời, hoặc đã trải qua nhưng còn thiếu kinh nghiệm và muốn tìm đến những ai đi trước để được cố vấn.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên, tuổi vị thành niên là thời điểm quan trọng để phát triển các mối quan hệ. Những người trẻ tuổi đang ở giai đoạn phát triển và tâm trí dễ bị tổn thương khi khả năng đánh giá thông tin của nhóm tuổi này khác với những người đã trưởng thành. Do đó, các bài đăng, hình ảnh hay video trên mạng tán dương hành vi độc hại đặc biệt đáng lo ngại giữa người làm nội dung và người dùng trên mạng xã hội vì mối quan hệ tương tác cận xã hội.
“Nếu những người trẻ tuổi tập trung theo dõi một số người nhất định trên Instagram, TikTok, YouTube, họ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung đó hơn vì đã phát triển sợi dây liên kết với người họ hứng thú, dù bên kia không biết họ là ai.
Một trong những lý do khiến vấn đề này ngày càng trở nên nguy hiểm là bởi "các vòng xoắn ốc tăng cường", tức là khi bạn suy nghĩ theo lối tư tưởng nào, bạn có xu hướng tìm kiếm thông tin củng cố suy nghĩ đó. Trong khi đó, thuật toán của mạng xã hội dễ nắm bắt được nhu cầu của người dùng và mau chóng gợi ý những nội dung tương tự. Vì vậy, việc tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm trên mạng xã hội là điều ai cũng cần chủ động", Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên chia sẻ.