Giới trẻ hiện đại đang lựa chọn lối sống cô đơn
Giới trẻ lao đao khi đánh cược vào chứng khoán Nhiều người trẻ mắc nợ dù thu nhập ổn định Đằng sau việc cày cuốc, kiếm tiền khi còn trẻ |
Thế hệ "thích" cô đơn
Lớn lên cùng với internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh, giới trẻ đang là một thế hệ hiện đại hơn và tiếp cận với mọi vấn đề trong cuộc sống rất nhanh. Dù vậy, không ít người trẻ thừa nhận rằng, tiếp cận với các vấn đề xã hội nhanh chóng không có nghĩa là họ có những “kết nối cảm xúc” tốt hơn so với các thế hệ trước. Khi các áp lực cuộc sống đè nặng lên tâm lý, “cô đơn” dường như trở thành một người bạn “tri kỷ” với nhiều người.
Trước đây, các bạn trẻ thường lập những hội nhóm để tụ tập, ăn uống, cà phê… đi đâu, làm gì cũng phải cần có bạn càng đông càng vui thì giờ đây tất cả đều ngược lại. Trên các trang mạng xã hội, không hiếm thấy những dòng trạng thái như đi cà phê một mình, đi xem phim một mình, du lịch một mình, ăn lẩu một mình…
Thực tế, họ vẫn ổn và hài lòng với cuộc sống đơn độc. Tuy nhiên, không phải ai trong số đó cũng thật sự yêu thích cuộc sống một mình, nhưng việc không thể đối diện với những trở ngại về tâm lý và các áp lực của bản thân khiên họ không tự mình hòa nhập được với cuộc sống xung quanh.
Đơn cử, nhiều người trẻ cho biết họ mặc cảm mỗi khi đến dịp lễ, Tết, điều chắc chắn là trong các buổi họp mặt gia đình, họ sẽ bị hỏi đến chuyện bao giờ cưới vợ, lấy chồng. Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng họ vẫn chưa tìm được đối tượng phù hợp và mỗi năm đều phải đối diện với áp lực từ người thân, bạn bè.
Thu Trà thích cuộc sống một mình hơn việc chạy theo cảm xúc của người khác |
Tương tự, một số người trẻ không chịu được những lời bình luận khiếm nhã từ người thân như câu nói vô tình “Dạo này sao trông mập vậy?”, “Dạo này sao trông đen đúa, nổi nhiều mụn vậy?”, “Nhuộm tóc, xăm mình ăn chơi thế”… Những câu nói tưởng chừng như hỏi thăm, quan tâm nhau nhưng thiếu tế nhị đã gây tâm lý mặc cảm ở giới trẻ, càng khiến họ ngại tiếp xúc, hạn chế tham gia những buổi gặp gỡ, tiệc tùng, hoạt động tập thể để mình không trở thành đề tài bàn tán của đám đông.
Là một nhân viên hành chính làm việc gần nhà và sống chung cùng gia đình, Thu Trà (23 tuổi) không phải sống cuộc sống đơn độc, một mình nhưng vẫn luôn cảm thấy cô đơn. Việc không có chung “kết nối cảm xúc” với gia đình khiến cô gái trẻ tự bó buộc mình trong căn phòng riêng sau mỗi ngày làm việc.
"Mình tôn trọng bố mẹ của mình nhưng không nói chuyện nhiều, ngoại trừ những công việc thường ngày. Quan điểm sống và sở thích của mình rất khác với bố mẹ nên thường hay xảy ra những bất đồng.
Dù vậy, nếu không đồng ý với những điều cha mẹ nói, mình chỉ im lặng chứ không muốn tranh luận hay bày tỏ quan điểm gì cả. Mình không muốn mất thời gian cho những việc như vậy nên phần lớn thời gian ở nhà, mình làm mọi thứ một mình ở trong phòng”, Thu Trà chia sẻ.
Không có định hướng và áp lực về tài chính là một phần lý do khiến Hoàng Anh khép mình, lựa chọn một cuộc sống ít kết nối với thế giới xung quanh |
Hơn 3 năm kể từ khi chuyển từ quê lên Hà Nội học đại học và lập nghiệp, Hoàng Anh (21 tuổi) vẫn không thể hòa nhập với cuộc sống hiện đại và náo nhiệt hơn quê nhà. Việc không có định hướng và áp lực về tài chính là một phần lý do khiến chàng trai trẻ khép mình, lựa chọn một cuộc sống ít kết nối với thế giới xung quanh.
“Mình chỉ giao tiếp với mọi người qua mạng xã hội chứ hiếm khi đi đâu đó hay tụ tập ăn uống, cà phê. Những cuộc vui đó đối với mình khá tốn kém và cũng không phù hợp với mình lắm nên đôi khi dù cũng muốn đi, mình luôn phải nghĩ cách để từ chối.
Cuộc sống mỗi ngày của mình là một vòng lặp không hồi kết, việc họ, làm việc online khiến mình càng ít tiếp xúc với mọi người hơn. Cứ thế, mọi thứ hàng ngày từ làm việc, ăn uống, trò chuyện với bạn bè, người thân… mình đều thực hiện tại nhà. Nếu có đi cà phê hay mua sắm, mình cũng chọn đi một mình. Mình đã quen với việc đó và nghĩ nó là điều tốt nhất cho bản thân mình”, Hoàng Anh bộc bạch.
Cần được quan tâm nhiều hơn
Những câu chuyện về xu hướng chọn lối sống cô đơn như Thu Trà hay Hoàng Anh không hiếm ở thời điểm hiện tại. Thực tế, Gen Z và Millennials là thế hệ cô đơn nhất.
Bên cạnh những áp lực về cuộc sống và sự tiếp cận những luồng văn hóa mới, mạng xã hội được cho là nguyên nhân chính gây ra sự cô đơn ở những người trẻ này. Họ đang dành ít thời gian gặp mặt bạn bè trực tiếp, chủ yếu kết nối trên mạng. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, những người tiếp xúc trực tiếp với người khác thường ít bị cô đơn hơn so với những người dành nhiều thời gian trên mạng xã hội.
Sự bận rộn là một trong những lý do khiến giới trẻ hiện đại thích lối sống cô đơn |
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho rằng, tất cả chúng ta đều luôn muốn có được sự công nhận từ người khác, nhưng kết nối qua màn hình, đặc biệt là mạng xã hội đang khiến ta khó đạt được điều ấy hơn. Với thế hệ trẻ, họ không chắc chắn về tương lai và tài chính của mình. Luôn có áp lực khiến họ phải tỏ ra các nhóm bận rộn, luôn luôn phải là kẻ “thành công” và từ đó, họ trở thành những người “cô đơn”.
“Những người cô đơn cũng có nhiều khả năng bị căng thẳng khi tương tác xã hội, ít hợp tác, thể hiện nhiều cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể tiêu cực do nỗ lực bảo vệ bản thân khỏi sự từ chối. Khi những vấn đề đó không được chia sẻ, giải quyết, lâu dần hình thành nên cách sống đơn độc, trở thành xu hướng cho nhiều bạn trẻ có cùng nỗi cô đơn, sợ hãi này.
Vì vậy, việc cung cấp cho những người trẻ tuổi các công cụ để phát triển và duy trì các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa là vô cùng cần thiết. Cùng với đó là sự quan tâm, chia sẻ chân tình, tế nhị từ bạn bè, gia đình sẽ phần nào giúp người trẻ có được những mối quan hệ thoải mái hơn, để có thêm sự lựa chọn thích sống đơn độc hay tăng cường kết giao để đời sống tinh thần trở nên phong phú hơn”, chuyên gia chia sẻ thêm.