Lối sống tối giản quay trở lại với giới trẻ
Để bảo vệ môi trường, giới trẻ ít lái xe hơn Nhiều người trẻ thích đi du lịch trái mùa Giới trẻ mê mẩn check-in với hoa ban, phong linh giữa lòng Thủ đô |
Tối giản trong suy nghĩ
Thế hệ trẻ hiện đại là thế hệ sinh ra trong thời đại của Internet, chỉ với một cú click là họ có thể kết nối chặt chẽ với thế giới bên ngoài thông qua các nền tảng xã hội ngay từ nhỏ như Facebook, YouTube, Instagram… nên luôn phải đối diện với những áp lực mới trong thời đại mới này. Từ những nỗi lo đơn giản như bài vở, công việc, các mối quan hệ xung quanh đến cả những vấn đề xã hội như dịch bệnh, các vấn đề chính trị... đều có thể tác động đến tâm lý của giới trẻ
Theo một vài nghiên cứu mới đây, chỉ 45% Gen Z (người sinh năm 1997 - 2012) cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt trong khi các thế hệ trước có chỉ số này cao hơn rất nhiều. Con số trên cũng cho thấy, Gen Z đang là thế hệ trầm cảm nhất, họ cũng thường tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần hơn so với các thế hệ khác.
Lối sống tối giản đang quay trở lại với giới trẻ |
Chính vì thế, để phần nào có thể “lách” khỏi những áp lực vốn có của cuộc sống thường nhật, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu tìm hiểu và lựa chọn lối sống tối giản. Để đạt được hiệu quả tối đa trong phong cách sống tối giản, suy nghĩ là điều đầu tiên mà người theo đuổi lối sống này cần hướng tới.
Một trong những đặc trưng của một người sống tối giản chính là biết cách loại bỏ và sắp xếp. Sẽ không khó để bắt gặp một người trẻ “enjoy” cuộc sống này với phong cách tối giản, tận dụng mọi tính năng của những đồ vật của mình một cách thú vị và hiệu quả. Họ chấp nhận bỏ đi những thứ cồng kềnh và hướng đến những đồ vật nhiều tính năng tiện ích vượt trội, hiện đại hơn.
Bắt đầu lối sống tối giản hơn một năm nay, Minh Tân (21 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết bản thân đã thực sự thoải mái, bớt áp lực hơn khi theo đuổi lối sống này.
“Có một câu hát mà hiện tại mình rất tâm đắc đó là: “Lớn lên từ nhiều va vấp, mà đã vấp và va thì phải trầy”. Vậy nên mình nghĩ rằng nếu càng nghĩ nhiều quá sẽ càng mệt mỏi hơn. Thay vì đổ thừa cho người khác thì tự mình rút kinh nghiệm để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Mỗi người chỉ nên so sánh bản thân với chính mình ngày hôm trước thay vì so sánh với cuộc đời người khác”, Minh Tân bày tỏ.
Minh Tân đã thực sự thoải mái, bớt áp lực hơn khi theo đuổi lối sống này |
Tương tự Minh Tân, Kiều My (24 tuổi, sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm: “Thế giới xung quanh tròn méo như thế nào là do mình quyết định và nhìn nhận, nếu bản thân đủ tích cực, biết yêu thương, bớt suy diễn, sân si thì cuộc sống sẽ vui vẻ thôi.
Mình không phải là một Gen Z thuần sống tối giản, nhưng vẫn đang tập tành tối giản trước hết trong tiêu dùng. Mình chỉ mua những thứ thật sự cần thiết chứ không phải tất cả những gì mình thích. Dần dần mình cũng đã thoát khỏi áp lực tài chính vì không còn chi tiêu quá mạnh tay như trước”.
Chủ động cho những mục tiêu của bản thân
Một trong những áp lực mà giới trẻ đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại chính là cuộc khủng hoảng tinh thần vì "bão giá" đang len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống. Có thể nói đây là “cú sốc đầu đời” của nhiều Gen Z dưới tác động của nền kinh tế toàn cầu. Điều này đã làm cho thế hệ trẻ hiện đại phải gánh chịu nhiều hơn chi phí trong lạm phát.
Dù gặp nhiều khó khăn như vậy, bằng chính khả năng nhạy bén trong thời đại công nghệ cùng lối sống tối giản được yêu thích, giới trẻ đã và đang có những thay đổi phù hợp với tình hình “bất ổn” ngày nay.
Giới trẻ đã và đang có những thay đổi phù hợp với tình hình “bất ổn” ngày nay. |
Khi được hỏi về tình hình chi tiêu trong thời kỳ khó khăn hiện nay, Công Quyền (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) chia sẻ bí quyết của bản thân: “Trước đây, cứ gần cuối tháng là mình lại lâm vào tình trạng rỗng ví vì đầu tháng mình thường săn sale. Thế nhưng, khi vật giá leo thang, mình nghĩ rằng đã đến lúc cần chi tiêu có kế hoạch hơn.
Hạn chế dùng tiền mặt và chuyển sang chi tiêu bằng thẻ hay ứng dụng ngân hàng giúp mình quản lý được chi tiêu rõ ràng hơn bởi chỉ cần mở điện thoại là thấy, đỡ quên đóng phí điện, nước, internet. Mình cũng chủ động theo dõi các chương trình hoàn tiền, ưu đãi giảm giá để giảm bớt và tối ưu các chi phí. Từ đó, mình dễ dàng quản lý tốt chi tiêu cá nhân hơn”.
Không riêng gì Công Quyền, tình trạng “không xu dính túi” theo đúng nghĩa đen còn là nỗi lo của nhiều bạn trẻ khác. Vì vậy, việc lựa chọn sống tối giản giúp họ chủ động và quản lý chi tiêu hợp lý hơn trong bão giá.
Trước khi chuyển về quê chọn cuộc sống tối giản, Thúy Anh (26 tuổi) là người có bản tính hướng ngoại. Thế nhưng sau quyết định này, cô gái trẻ đã cân bằng thêm sự hướng nội nhờ vào cách thay đổi môi trường sống.
Công việc hiện tại của Thúy Anh là một freelancer với thu nhập không cố định nhưng ở mức khá. Khi sống tại Hà Nội, cô gái trẻ ở trong một căn hộ tuy đi thuê nhưng tiện nghi và sạch sẽ. Mức lương đủ chi trả cho tiền ăn, chi phí sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội và để dư được khoảng 1/3 thu nhập.
Thúy Anh thoải mái với cuộc sống hiện tại và lối sống tối giản mình hướng tới |
Sau khi rời Hà Nội về quê sống, dù mức lương không khác hoặc có giảm nhưng không quá nhiều thì phần chi tiêu lại có sự thay đổi lớn. Về quê sống, Thúy Anh không mất tiền nhà, tiền ăn uống giảm hẳn một nửa. Ngoài ra không phát sinh thêm bất cứ chi phí nào khác.
Lúc này nhẩm tính tiền chi tiêu của mình, cô gái 26 tuổi cho biết chỉ mất khoảng 1/5 tiền lương. Không những thế số tiền đáng ra dùng để trả thuê nhà hàng tháng ở Hà Nội còn được dành để sử dụng để biếu người thân trong gia đình.
“Mình cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại và lối sống tối giản mình hướng tới. Không còn những cuộc vui vô thưởng vô phạt hay “lao đầu” săn hàng hiệu, mình cảm thấy bản thân thoải mái hơn rất nhiều trong vấn đề chi tiêu”, Thúy Anh chia sẻ.