Kiểm soát lạm phát - thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế
WB: Giá năng lượng tăng nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát Theo dõi sát để điều hành, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát |
Năm 2021, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn khá tươi sáng khi ghi nhận các con số tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Cụ thể, GDP tăng 2,58%, bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 (mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016), lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.
Bước sang năm 2022, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Các chuyên gia nhận định sẽ có nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu này bởi lẽ áp lực lạm phát là tương đối lớn.
Giá cả hàng hóa tăng cao đang gia tăng sức ép lên lạm phát, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp |
Vì vậy, để có thể kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự hồi phục phát triển kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm 2022, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Trong đó, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu... và từ đó đề ra những biện pháp quản lý, điều hành giá kịp thời, góp phần bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chiều 9/3 tới đây, Tạp chí Hải quan sẽ tổ chức diễn đàn trực tuyến "Kiểm soát lạm phát - thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế" với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước.
Diễn đàn sẽ phân tích các yếu tố thuận lợi và thách thức tác động tới công tác kiểm soát lạm phát trong bối cảnh thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, chia sẻ về các chính sách quản lý, điều hành của cơ quan chức năng đối với công tác bình ổn giá.
Cùng với đó, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ có những ý kiến, chia sẻ về vai trò của việc kiểm soát lạm phát tới đời sống của người dân và tăng trưởng kinh tế, từ đó kiến nghị các giải pháp giúp cho công tác kiểm soát lạm phát đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.