Kiên quyết xử lý các đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi người lao động
Đồng chí Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội thông tin về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020
Bài liên quan
Nỗ lực thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân
Quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Hà Nội: Công bố danh sách 50 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội
Vận động được 24.704 người tham gia BHXH tự nguyện trong ngày đầu ra quân
Đã có thẻ bảo hiểm y tế, có phải tham gia tiếp tại doanh nghiệp?
Ra quân hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH toàn dân
Thông tin về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020, đồng chí Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết: Ước tính hết tháng 6/2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87,1% dân số. Tỉ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 1.730.801 người, giảm 32.232 người so với tháng 12/2019, đạt 90,1% số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ước tính đến hết tháng 6/2020, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.616.753 người, giảm 28.555 người so với tháng 12/2019, đạt 91,9% số người thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ước tính đến hết tháng 6/2020, số người tham gia là 37.333 người, tương ứng tốc độ gia tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện so với năm 2019 đạt 4,5%. Trong tháng 5 vừa qua, Bảo hiểm xã hội thành phố đã phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức thành công Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân. Chỉ trong hai ngày ra quân (23 - 24/5) đã khai thác và phát triển mới được 560 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, đến tháng 5/2020, toàn thành phố có 57.610 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 1.970 tỷ đồng (tương đương 4,02%), tăng 990,8 tỷ đồng so với năm 2019.
Tính đến hết 25/5, số lượt người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 3.622.951 lượt người, trong đó có 3.234.538 lượt khám chữa bệnh ngoại trú, 488.413 lượt điều trị nội trú, với tổng chi phí đề nghị thanh toán là 5.910,76 tỷ đồng.
Toàn cảnh hội nghị thông tin về kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2020 |
Về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tính đến ngày 22/5, trên địa bàn thành phố đã có 113 đơn vị đã được phê duyệt dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với 10.832 lao động, tương ứng với số tiền dừng đóng là trên 31 tỷ đồng.
Trong đó nhóm may mặc, giầy da là 10 đơn vị với 1.805 lao động; Nhóm nông nghiệp 1 đơn vị với 33 lao động; Nhóm vận tải 21 đơn vị với 5.091 lao động; Nhóm khách sạn, nhà hàng là 13 đơn vị với 308 lao động; Nhóm du lịch 16 đơn vị với 137 lao động; Nhóm Giáo dục, văn hóa, thể thao 28 đơn vị với 1.723 lao động. Các nhóm khác là 24 đơn vị với 1.735 lao động.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm hơn so với năm 2019, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm hơn so với năm 2019. Tốc độ gia tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp. Số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng cao với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 1.970 tỷ đồng. Do đó, việc thực hiện các chỉ tiêu do HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao gặp nhiều khó khăn.
Nhằm giải quyết nhưng khó khăn, vướng mắc đồng thời thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, trong những tháng cuối năm, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nợ; Hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế; Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hộ bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cùng với đó, ngành Bảo hiểm xã hội thành phố cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động; Đồng thời tăng cường công tác giám định bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, giao dịch hồ sơ điện tử; Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành...