Kinh tế Sóc Trăng: Bước tiến sau 30 năm tái lập tỉnh
Tái lập và ổn định
Tỉnh Sóc Trăng được tái lập và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 4/1992, gồm 7 đơn vị hành chính (6 huyện và 1 thị xã), với diện tích 3.138,67km2, dân số hơn 1 triệu người. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thủy sản nhưng phần lớn đất đai bị nhiễm phèn, mặn, nên có đến 80% diện tích chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm. Do đó, để ổn định kinh tế, phát huy thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, lãnh đạo tỉnh xác định, việc đầu tiên là phải ngăn được mặn, giữ được ngọt để phục vụ sản xuất.
Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực vượt bật của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, chỉ sau 10 tháng, công trình đê biển, đê sông có tổng chiều dài lên đến 202km đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ cho 52.490ha đất sản xuất. Đây được xem là công trình có ý nghĩa đặc biệt tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển theo hương thâm canh, đa canh, đa dạng hóa sản phẩm và phát huy thế mạnh mũi nhọn thủy sản cả về nuôi trồng lẫn đánh bắt và chế biến xuất khẩu.
Ngành kinh tế mũi nhọn thủy, hải sản tiếp tục được phát huy, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh |
Sau kỳ tích công trình đê sông, đê biển, Sóc Trăng tiếp tục viết lên những kỳ tích mới trong giai đoạn đầu tái lập tỉnh mà tiêu biểu trong số đó là công trình đưa điện 220KV vượt sông Hậu về đến huyện đảo Cù Lao Dung chỉ sau 1 năm thi công, với tổng kinh phí đầu tư hơn 23,5 tỷ đồng. Đến năm 2000, điện lưới quốc gia đã về đến 100 trung tâm xã, đưa số hộ dân có điện sử dụng lên 50,48%. Có thêm sự trợ giúp từ nguồn điện quốc gia, công nghiệp chế biến cũng bắt đầu tăng tốc, giá trị xuất khẩu bắt đầu được nâng cao, góp phần đưa GDP của tỉnh giai đoạn 1993 - 2000 tăng bình quân 11,62% mỗi năm, GRDP bình quân đầu người tăng từ 122 USD vào năm 1992 lên 297 USD vào năm 2000.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Sau bước “chạy đà” 9 năm, kinh tế Sóc Trăng dần đi vào ổn định, tạo điều kiện cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh được thuận lợi hơn trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ngành kinh tế mũi nhọn thủy, hải sản tiếp tục được phát huy, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, Cảng cá Trần đề được đầu tư, đưa vào hoạt động, trở thành cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Công nghiệp mà chủ yếu là công nghiệp chế biến tiếp tục có sự phát triển, khi hàng loạt doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ổn định thị trường xuất khẩu, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 (theo giá cố định 1994) đạt 7,485 tỷ đồng, tăng 5.727 tỷ đồng so với năm 2000.
Cũng trong giai đoạn trên, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội được 26.849 tỷ đồng; trong đó, một số công trình trọng điểm có vốn đầu tư lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Cầu Mỹ Thanh 1, Mỹ Thanh 2, đê Tà hữu Cù Lao Dung, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản Lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 60, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện… Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 89,95% hộ có điện sử dụng (tăng 39,47% so với cuối năm 2000), 85,04% hộ khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (tăng 30,04% so với cuối năm 2010. Cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng có sự chuyển dịch một cách rõ nét, khi năm 2000, cơ cấu kinh tế của tỉnh ở 3 khu vực: I, II, III tương ứng là: 60,62%, 18,87%, 20,51% thì đến năm 2010, tỷ lệ này tương ứng này: 54,19%, 11,91%, 33,89%. GRDP bình quân đầu người cũng tăng từ 297 USD vào năm 2000 lên 884 USD vào năm 2010, tức tăng 2,97 lần.
Phát huy tiềm năng lợi thế
Trong giai đoạn 2010 - 2022, nhờ vận dụng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương vào tình hình thực tế địa phương nên kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự khởi sắc với những ấu dấn đáng ghi nhận. Theo đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao. Nổi bật trong số này có thể kể đến Nghị quyết về phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao; Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và ven biển; Chương trình hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp; Chương trình phát triển đàn bò sữa, bò thịt…
Nền nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng ngày một khởi sắc... |
Có một hướng đi đúng, phù hợp với thực tế địa phương và thị trường, nền nông nghiệp của tỉnh cũng khởi sắc hơn. Đặc biệt, năm 2017, tại Hội nghị quốc tế về thương mại lúa gạo lần thứ 9, tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), gạo ST24 của tỉnh vinh dự lót vào top 3 gạo ngon nhất thế giới và đến năm 2019, giống gạo ST25 đã xuất sắc đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Không chỉ có cây lúa, chăn nuôi cũng phát triển từng bước chuyển từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh có số trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp hàng đầu trong khu vực. Mũi nhọn thủy sản tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn sản lượng và giá trị. Diện tích nuôi nuôi tôm nước lợ của tỉnh chỉ khoảng 54.000ha, nhưng sản lượng trên 180.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt gần 1 tỷ USD.
Không chỉ quan tâm đến nông nghiệp, tỉnh còn tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Chế biến nông, thủy sản xuất khẩu; Sản xuất hàng tiêu dùng; May mặc… với 5 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp được xây dựng. Đặc biệt trong giai đoạn này, ngành công nghiệp năng lượng được tỉnh quan tâm phát triển nhiều hơn, nhất là năng lượng tái tạo với nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời áp mái… được hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đến cuối năm 2021 đạt 35.265 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 2,89 lần so với năm 2010.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng có bước chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, năm 2021 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 1,289 tỷ USD, tăng 2,89 lần so với năm 2010. Các hoạt động du lịch cũng trở nên nhộn nhịp hơn khi tỉnh triển khai 8 dự án đầu tư trên lĩnh vực này; trong đó, có tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 4 điểm du lịch và 4 điểm bán hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; Có 69 cơ sở lưu trú (33 khách sạn và 36 nhà nghỉ) với 1.349 phòng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...