Kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng 3-3,5%
Kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ Chuyên gia “hiến kế” sớm phục hồi và phát triển kinh tế Dự kiến 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế |
Chiều 2/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, mục tiêu từ nay đến cuối năm cũng như một số điều kiện đặt ra.
Theo đó, trên cơ sở thực hiện đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước thực hiện cả năm GDP 2021 đạt ở mức 3-3,5%.
Cụ thể, với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng năm nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV/2021 cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Trong khi đó, với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm thì quý IV/2021 cần tăng trưởng 8,84% trở lên.
Theo ông Phương, trong quá khứ, mức tăng GDP quý IV từ 7% trở lên đã từng đạt được, nhưng tăng trưởng quý cuối năm 2021 lại phụ thuộc nhiều vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10. (Ảnh: VGP) |
Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, đối với doanh nghiệp cần không bị “đóng băng” hay đóng cửa, doanh nghiệp phải được hoạt động.
Mặt khác, lao động phải được dịch chuyển. Bởi hiện các khu, cụm công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố lớn đang trong tình trạng thiếu lao động tạm thời.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng hoá cũng cần được lưu thông thông suốt ở cả đầu vào, đầu ra thì mới có thể hỗ trợ được cho tăng trưởng.
Đặc biệt, trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn sản xuất, từ nay đến cuối năm chúng ta vừa mới bắt đầu lộ trình mới chủ yếu là phục hồi nên các doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt được 80% hiệu suất là thành công lớn.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề.
Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm, thống nhất quan điểm để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định chính trị, xã hội; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và có giải pháp bảo đảm lao động, sẵn sàng đưa người lao động trở lại làm việc để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất... tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, nỗ lực giành đơn hàng cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm ở châu Âu, Bắc Mỹ, nhất là các ngành hàng chủ lực (dệt may, da giày…), các doanh nghiệp có vốn nước ngoài...