Kịp thời phát triển nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp và người nghèo
Hà Nội: Nỗ lực để người thu nhập thấp có nhà ở xã hội TP Hồ Chí Minh tập trung giải quyết “nút thắt” nhà ở xã hội |
Ngày 5/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho Nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Nói về phát triển nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo luật có quy định về hình thức phát triển nhà ở; Các loại hình nhà ở phát triển theo dự án và tiêu chuẩn diện tích nhà ở; Quỹ đất để phát triển nhà ở; Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở; Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở; Chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; Thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; Đất để xây dựng nhà ở công vụ...
Dự thảo cũng luật bổ sung quy định về: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Hình thức phát triển nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; Đất để xây dựng nhà ở xã hội...
Ngoài ra, bổ sung mới một số quy định như: Nguồn vốn của Nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; Hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) |
Chính sách nhà ở xã hội cũng quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân; Hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân; Điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân; Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân; Loại dự án và yêu cầu đối với dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân; Loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế nhà lưu trú công nhân; Lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân; Ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân; Xác định giá cho thuê nhà lưu trú công nhân; Nguyên tắc cho thuê và quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân; Đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang; Kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang; Hình thức phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, chính sách cũng đề cập về quy hoạch, quỹ đất dành để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang: Loại dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng; Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở; Chủ đầu tư dự án xây dựng; Ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng; Xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà; Nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê và quản lý vận hành; Chính sách và hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các thành viên hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa để ở.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, luật hiện hành quy định phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; Không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.
Vì vậy, trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị quy định rõ việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Theo đó, quy định địa phương dành tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Nhất trí với quy định này, nhưng để đảm bảo tính minh bạch, khả thi, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.
Theo đại diện cơ quan thẩm tra, việc dự thảo luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội là thay đổi phương thức thực hiện chứ không được làm thay đổi trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mà luật Nhà ở hiện hành đã quy định.
Cụ thể, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước.
"Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị", ông Tùng nêu.
Về ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê, dự thảo luật quy định nhiều chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Được hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; Ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài; Được hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án…
Ông Tùng cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo luật; đồng thời vẫn áp dụng lợi nhuận định mức để Nhà nước có cơ sở kiểm soát giá bán nhà ở xã hội từ các chính sách ưu đãi đầu tư đã được áp dụng, góp phần làm giảm giá bán và tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân.