Cảnh báo ngộ độc các loại rượu thuốc, rượu ngâm
Liên tiếp các vụ ngộ độc do sử dụng rượu ngâm, rượu thuốc
Mới đây, một bệnh nhân 40 tuổi ở Phú Thọ nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, nghi ngờ do uống rượu ngâm cây rừng. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng tăng CK máu rất cao, suy thận, suy gan cấp nặng, khí máu có toan chuyển hóa.
CK là một enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Khi nồng độ này trong máu tăng lên khi cơ bắp, cơ xương hoặc tim tổn thương.
Các loại rượu ngâm rễ cây, thảo dược có thể gây ngộ độc |
Nhận định tình trạng bệnh nhân nặng, có nguy cơ phải lọc máu, các bác sĩ ngay lập tức đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, theo dõi nước tiểu 24 giờ, chỉ số sinh tồn, sử dụng thuốc theo phác đồ.
Sau một tuần điều trị tích cực, tới ngày 29/5, người bệnh có sự tiến triển rõ rệt, chức năng gan, thận cải thiện tốt, tình trạng CK máu giảm về mức bình thường, huyết áp ổn định, sắp được ra viện.
Giữa tháng 4/2023, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị này vừa cứu sống kịp thời một nam bệnh nhân bị ngộ độc rượu nghiêm trọng do uống rượu ngâm chuối hột.
Các bác sĩ bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm thêm nồng độ methanol trong máu và nước tiểu, mặc dù đã sang ngày thứ 2 sau khi bệnh nhân uống rượu nhưng nồng độ methanol trong máu rất cao, lên đến 90.69 (thông thường nồng độ trên 25 là ngộ độc). Như vậy, bệnh nhân đã uống một lượng rượu methanol rất nhiều nên để lại những hậu quả biến chứng nghiêm trọng.
Trên thực tế, việc sử dụng rượu thuốc rất tuỳ tiện theo tâm lý của người tiêu dùng “có gì ngâm nấy” hoặc ngâm các loại thảo dược sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát… hay ngâm các bài thuốc đông y.
Nhiều người cho rằng, rượu ngâm các loại thảo dược, rễ cây đều là loại thực phẩm từ thiên nhiên, lành tính. Do đó, họ đã sử dụng bất kì loại cây, rễ, lá nào đó có tác dụng chữa bệnh và bổ dưỡng mang ngâm với rượu rồi uống là có thể điều trị được bệnh.
Đa phần người ngâm rượu thuốc đều làm theo kiểu “nghe dân gian truyền lại”, rỉ tai nhau, hoặc tự tìm hiểu trên internet. Một số người sau khi ngâm còn đem chôn rượu thuốc xuống đất từ 3-6 tháng vì tin rằng làm như vậy, rượu sẽ có vị đậm đà, hương thơm và tốt hơn.
Các loại rượu ngâm còn được chào bán trên các mạng xã hội, chợ điện tử. Chỉ cần tìm kiếm loại sản phẩm này trên mạng, ngay lập tức người mua có thể tìm được đủ các loại rượu ngâm từ những loại đơn giản như tỏi, táo mèo cho đến những loại cao cấp và khó tìm như đông trùng hạ thảo…
Ngoài kênh bán hàng online, không khó để nhìn thấy, các quán xá, nhà hàng đều có rượu tự ngâm với đủ các chúng loại, từ rượu rắn cho đến rượu thuốc, rượu táo mèo... Loại rượu này cũng được các chủ nhà hàng chào bán ngay cho khách. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, đăng ký chất lượng sản phẩm, họ đều khẳng định đây là “bí kíp riêng”, gia đình “tự nấu” hoặc lấy chỗ người quen…
Rước thêm bệnh vì dùng rượu ngâm "thập toàn đại bổ"
Theo các chuyên gia, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà các tiểu thương mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Việc lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.
Bệnh nhân ngộ độc rượu ngâm rễ cây cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai |
Thời gian qua, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc, dị ứng, sốc phản vệ sau khi sử dụng rượu ngâm rễ cây hoặc ngâm rượu cùng các bài thuốc chữa bệnh. Thậm chí, nhiều trường hợp nếu không vào viện cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Trung tâm đã điều trị nhiều bệnh nhân nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống các loại rượu ngâm với rễ cây để chữa đau lưng, đau khớp gối, bồi bổ cơ thể.
Ngoài các trường bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol, một số trường hợp xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây.
Ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong".
Hiện nay, việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà rất phổ biến. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bác sĩ khuyến cáo dù là thảo dược nhưng đó cũng là thuốc bởi trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết được.
Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu chúng ta sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.