“Lá phổi” của hành tinh đang lâm nguy
Bài liên quan
Rừng Amazon cháy vì... thế giới ăn quá nhiều thịt
WHO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về hạt vi nhựa và ô nhiễm
Sân bay tại Mỹ cấm bán chai nước bằng nhựa
Những trang trại rau trong lòng thành phố
Tour du lịch câu rác thải nhựa hút khách
Australia: Hệ sinh thái biển ảnh hưởng nghiêm trọng vì thời tiết
10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu
Theo Global Forest Watch (GFW), tổ chức được tài trợ bởi Viện Tài nguyên thế giới, có nhiệm vụ theo dõi các khu rừng và những vụ cháy rừng bằng cách sử dụng dữ liệu từ vệ tinh, từ 13 - 23/8 ở Brazil đã ghi nhận 109.000 cảnh báo cháy rừng. Trong đó, đã có hơn 9.500 vụ cháy rừng mới xảy ra trên khắp Brazil, chủ yếu tập trung ở lưu vực sông Amazon.
Bên cạnh đó, theo bản đồ do họ cung cấp thì các vệt lửa từ đám cháy cũng đã xảy ra tại nhiều khu vực khác tại Nam Mỹ. Trong những tuần qua, các đám cháy đã thiêu rụi khoảng 37.000ha rừng ở Bahia Negra và Cerro Chovorea của Paraguay. Theo thống kê, Bolivia cũng bị thiệt hại khoảng 700.000ha rừng trong đợt cháy lần này. Venezuela đã chứng kiến số lượng vụ cháy cao thứ hai trong năm 2019 với 26.500 vụ, bằng 1/3 so với Brazil.
Năm cháy rừng kỷ lục tại Brazil
Đến thời điểm hiện tại, số lượng vụ cháy tại Brazil là lớn nhất kể từ khi các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi vào năm 2013. Từ đầu năm đến nay, Brazil đã phải hứng chịu hơn 74.000 vụ cháy, gần gấp đôi năm 2018. Theo Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, số lượng vụ cháy so với cùng kỳ năm 2018 đã tăng thêm 83%.
Tiểu bang lớn nhất là Amazonas đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào thứ hai vừa qua. Các đám cháy đã tạo ra một lớp khói ước tính rộng 1,2 triệu dặm vuông và có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Hôm 19/8, lớp khói từ đám cháy ở Amazon đã lan sang tận bang Amazonas và đã phủ kín trời Sao Paulo cách đó hơn 2.000 dặm.
Chất lượng không khí tại đây đã giảm xuống mức đáng báo động. Mùi khét bao phủ mọi ngõ ngách của thành phố. 600 người dân sinh sống gần khu vực cháy rừng Amazon đã phải nhập viện do đường hô hấp bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, cháy rừng có xu hướng nghiêm trọng hơn do mùa khô hanh kéo dài đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thói quen phá rừng làm nương rẫy, chăn thả gia súc.
Đám cháy ở Amazon đã lan sang tận bang Amazonas. Ảnh: Reuters |
Phần lớn những vụ cháy tại Brazil đều không phải do thiên tai. Các nhà nghiên cứu cho rằng, con người mới là nguyên nhân chính. Mặc dù cháy rừng thường xảy ra tại Amazon vào thời điểm này trong năm nhưng tình trạng nông dân đốt rừng lấy đất canh tác, trồng cỏ nuôi gia súc gia tăng mới là nguyên nhân khiến các đám cháy tăng mạnh.
Nguyên nhân cháy còn được cho là do có sự khuyến khích từ chính quyền. Chính phủ Brazil nhiều lần tuyên bố Amazon cần phục vụ cho các lợi ích doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ sẵn sàng cho phép khai thác mỏ, các công ty nông nghiệp và gỗ khai thác tài nguyên từ lá phổi xanh của thế giới.
Mặt khác, sự ấm lên toàn cầu cũng làm tăng tần suất của các vụ cháy tại Amazon nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
“Lá phổi” của hành tinh cần được bảo vệ
Rừng Amazon có diện tích bảy triệu ki-lô-mét vuông, chiếm 60% lãnh thổ Brazil và trải dài trên lãnh thổ 8 nước gồm: Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname. Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và trên 4.200 loài động vật sinh sống tại phần rừng nhiệt đới nằm trên lãnh thổ Brazil.
Là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức độ carbon dioxide của trái đất. Thực vật, cây cối hấp thụ carbon dioxide và giải phóng oxy trở lại không khí trong quá trình quang hợp. Đó là lý do Amazon với 2,1 triệu dặm vuông được biết tới bằng tên gọi lá phổi của hành tinh, đóng góp 6 - 20% lượng oxy trong bầu khí quyển của trái đất. Do đó, khi có đám cháy xảy ra, thay vì sản xuất khí oxy, Amazon sẽ thải khí CO2 và làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo lắng các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động, thực vật tại khu vực này. Ngày 22/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại sâu sắc về các vụ cháy và thiêu rụi diện tích lớn rừng mưa Amazon, phủ kín một vài thành phố của Brazil trong khói mù dày đặc.
Ông Guterres chia sẻ: “Tôi thực sự lo ngại bởi các trận hỏa hoạn tại rừng mưa Amazon. Giữa cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, chúng ta không thể chịu thêm những thiệt hại nữa đối với nguồn cung cấp khí oxy và đa dạng sinh thái”. Do đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Rừng Amazon cần được bảo vệ”.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định cháy rừng là một “cuộc khủng hoảng quốc tế”. Đồng thời, ông kêu gọi các quốc gia phát triển nhất thế giới chung tay giải quyết vấn nạn này tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra tại Biarritz từ ngày 24 - 26/8.
Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh: “Rừng Amazon, lá phổi của hành tinh cung cấp 20% khí oxy, đang bị cháy. Các thành viên G7 hãy thảo luận về tình trạng khẩn cấp này trong hai ngày tới”.
Tại các thành phố như Rio de Janeiro, Sao Paolo và Brasilia của Brazil, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường, tham gia cuộc tuần hành đòi bảo vệ rừng rậm nhiệt đới Amazon.