Lâm Đồng: 4 huyện, thành phố xuất hiện bò sữa mắc bệnh tiêu chảy
Thu hồi thuốc trị tiêu chảy Berberin BM Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ dịch tiêu chảy do trực khuẩn lỵ Mang Yang - Gia Lai hội tụ nhiều yếu tố để trở thành 'thiên đường bò sữa' |
Người dân bất lực nhìn đàn bò sữa chết bất thường (Ảnh: Người dân cung cấp) |
Theo báo cáo nhanh từ TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), tính đến 13h ngày 13/8, trên địa bàn thành phố xuất hiện 6 con bò sữa có biểu hiện bệnh tiêu chảy ở 3 hộ có tổng đàn 45 con, thuộc 3 xã, phường (xã Đại Lào 4 con, phường Lộc Sơn 1 con và phường Lộc Phát 1 con). Ngoài ra, một số con bò sữa tại các hộ bị nhiễm bệnh trên đang có hiện tượng bỏ ăn, giảm sữa.
Trước đó, TP Bảo Lộc tiếp nhận 1.500 liều vắc xin Navet-LPVac tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) cho đàn trâu bò trên địa bàn.
Từ ngày 14/7 - 2/8, thành phố đã sử dụng 1.330 liều vắc xin tiêm cho 1.321 con bò (trong đó 545 con bò sữa, 776 con bò thịt).
Lũy kế đến 16 giờ ngày 12/8, đã có 5.350 con bò phát bệnh, 237 con bị chết (Ảnh: Người dân cung cấp) |
Theo UBND TP Bảo Lộc, hiện Trung tâm Nông nghiệp huyện đã phối hợp với nhân viên thú y cấp xã trực tiếp hướng dẫn và điều trị số bò đang bị bệnh theo hướng dẫn phác đồ điều trị của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, cấp phát thuốc sát trùng để nông hộ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Như vậy, tới nay, trên địa bàn Lâm Đồng có 4 huyện, thành phố có bò sữa mắc bệnh tiêu chảy, gồm: Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc.
Cũng trong ngày 13/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giao ban báo chí tháng 8.
Tại cuộc họp ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xác nhận, toàn bộ số bò sữa mắc bệnh tiêu chảy đều nằm trong số bò sữa được tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục và loại vaccine này lần đầu sử dụng tại Lâm Đồng.
Ông Hoàng Sỹ Bích cho biết, nguyên nhân chính thức đang được các cơ quan chuyên môn khẩn trương xác định, dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả chính thức.
Ngay sau khi có kết quả chính thức, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thông tin rộng rãi đến báo chí.
Tiêu hủy bò chết theo hướng dẫn của cơ quan chức năng (Ảnh: Người dân cung cấp) |
Đồng thời, việc tổ chức đấu thầu vaccine được triển khai đảm bảo quy định. Vaccine tiêm cho bò đã được cơ quan chuyên môn phê duyệt sử dụng.
Trước đó, loại vaccine này cũng đã được tiêm cho hơn 1.000 con bò sữa ở Long An và 1.000 bò sữa ở Thái Nguyên.
Nếu nguyên nhân do vaccine gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng sẽ có văn bản đề nghị đơn vị cung cấp vaccine bồi thường cho người dân.
Năm 2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) làm chủ đầu tư gói thầu mua sắm hóa chất phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2024 trị giá hơn 13,6 tỷ đồng; trong đó có vaccine, phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò.
Liên danh nhà thầu gồm 5 doanh nghiệp Navetco-Amavet-IVRD-Vetvaco-Cenpharco tham dự và trúng thầu.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng từ cuối tháng 7/2024 đã phát sinh bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng.
Lũy kế đến 16 giờ ngày 12/8, đã có 5.350 con bò phát bệnh, 237 con bị chết.
Trong số đó, huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 chết; huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 chết; huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 2 con chết.