Lâm Đồng: Thửa đất cấp hai sổ đỏ, một nạn nhân bị lừa?
Đoàn công tác Thành ủy Hà Nội thăm, làm việc tại tỉnh Lâm Đồng Hà Nội – Lâm Đồng trao đổi kinh nghiệm và cùng hợp tác |
Vừa qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn cầu cứu của ông Châu A Mếnh (ngụ tại Trảng Bom - Đồng Nai). Theo nội dung đơn thư, ông Mếnh cho biết, khoảng tháng 7/2022, ông và bà Mai Thị Ngọc Thuý (ngụ tại TP Hồ Chí Minh) mua mảnh đất với tổng diện tích là 14.126,6m2 trên hai giấy CNQSDĐ của bà Võ Thị Thu Hà (ngụ tại Thôn 1, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Giấy CNQSDĐ thứ nhất có số: CM 487066 (cấp ngày 8/6/2018, DT: 7745,5m²) và giấy CNQSDĐ thứ 2 có số: CA 761259 (cấp ngày 17/7/2015, DT: 6381,1m²). Hai giấy này cùng thuộc một địa chỉ tại thôn Đông La 2, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Trong quá trình mua bán, ông Mếnh và bà Thúy chỉ xem diện tích đất trên hai giấy CNQSDĐ, đồng thời nhiều lần hỏi bà Hà về diện tích đất thực tế.
Chia sẻ với phóng viên, ông Mếnh cho biết: “Lúc bán đất, bà Hà khẳng định, diện tích đất nói trên đúng với diện tích được cấp trên hai giấy CNQSDĐ. Vì tin tưởng nên chúng tôi chỉ nhờ ông Châu Văn Điều (Trưởng thôn Đông La 2) cùng đi xác định ranh đất và cắm mốc để bàn giao chứ không tiến hành đo đạc”.
Từ đó, ông Mếnh và bà Thúy đã thanh toán số tiền mua đất căn cứ trên diện tích ghi trên giấy CNQSDĐ mà không biết rằng, hai sổ này được cấp trùng cho cùng một mảnh đất có diện tích 6.902,7m2.
Một thời gian sau, khi ông Mếnh tới lô đất để chuẩn bị trồng cây thì thấy mảnh đất có diện tích quá nhỏ so với diện tích thực tế như đã chuyển nhượng.
Ông Mếnh và bà Thúy đã nhờ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm tiến hành đo đạc địa chính thửa đất nói trên. Kết quả đo đạc (đính kèm theo đơn) cho thấy, diện tích thật sự của lô đất chỉ là 6.902,7m2 (không phải 14.126,6 m2). Bản đồ đo đạc cũng thể hiện trong phạm vi lô đất có sự trùng lặp của hai thửa đất nêu trên.
Một thửa đất trên núi được cấp hai “sổ đỏ”, tạo cơ hội cho bà Hà có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1 tỷ đồng |
Biết mình đã bị lừa, ông Mếnh đến gặp bà Hà để yêu cầu trả lại một nửa số tiền, đúng với diện tích đất thực tế nhưng bà Hà đã từ chối.
Ngày 26/5/2023, UBND xã Lộc Đức đã tổ chức buổi hòa giải giữa các bên. UBND xã cũng đã xác nhận có vấn đề trong việc cấp hai giấy CNQSSĐ cho cùng một mảnh đất.
Tuy nhiên, buổi hòa giải không thành do bà Hà cho rằng, bà chỉ bán diện tích đất thực tế, không hề biết việc mảnh đất được cấp trùng hai giấy CNQSDĐ hay có cấp sai hay không…
Đáng nói, chủ đất cũ trước đây là vợ chồng ông Trương Văn Tiến lại khẳng định: Việc trùng giấy CNQSDĐ đã được vợ chồng ông báo cho bà Hà biết từ đầu. Đồng thời, khi biết bà Hà chuẩn bị bán cho ông Mếnh và bà Thúy, hai vợ chồng ông bà Tiến có khuyên ngăn nói là chỉ bán 7.000m2 thôi vì đó là diện tích thực tế. Tuy nhiên, bà Hà đã dùng nhiều cách thức để không cho vợ chồng ông Tiến tiết lộ sự thật...”.
Cũng theo vợ chồng ông Tiến, bà Hà dối trá cũng như dùng lời lẽ uy hiếp, đe dọa nên không ông thể lên tiếng và cảm thấy có lỗi với ông Mếnh và vợ chồng bà Thúy...
Theo đại diện UBND xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, việc mua bán giữa các bên xã không nắm, đó là quyền công dân. Tuy nhiên, thửa đất của vợ chồng ông Tiến xã nắm rất rõ. Do quá trình lịch sử để lại, thửa đất của vợ chồng ông Tiến được cấp GCNQSD đất đến hai lần.
Hai sổ đỏ cấp chồng lên nhau |
Trước đó, ngân hàng cho vợ chồng ông Tiến vay tiền nhưng sau khi phát hiện ra chuyện này đã từ chối. Tiền đáo hạn ngân hàng và chi trả mua chiếc xe tải cho con trai làm phương tiện kiếm kế sinh nhai rơi vào bế tắc. Cũng vì lý do đó, gia đình ông Tiến lâm vào cảnh khó khăn phải vay “nóng” tiền bà Hà nhưng với điều kiện phải làm hợp đồng giả cách bán lô đất nói trên cho bà Hà.
Trong thời gian này, bà Hà “ép” buộc vợ chồng ông bà Tiến phải sang tên qua cho bà Hà thửa đất. Thay vì vợ chồng ông bà Tiến phải giao nộp lại cho chính quyền một GCNQSD đất thì không hiểu sao lại ra tên cho bà Hà cả hai GCNQSD đất nói trên. Sau đó, bà Hà cầm hai GCNQSD đất đó bán lại cho ông Mếnh và vợ chồng bà Thúy. Sự việc trên, ông Mếnh cũng đã có đơn trình báo, được UBND xã mời cả hai bên lên hòa giải nhưng không thành và đã hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa…
Theo luật sư Võ Ngọc Rin, Đoàn Luật sư Bình Dương, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thời hạn; hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Từng tham gia nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, luật sư Võ Ngọc Rin khuyến cáo người dân phải tìm hiểu về tình trạng pháp lý của thửa đất bằng cách trực tiếp đến thực địa, đánh giá hiện trạng và tìm hiểu thông tin chính xác về vị trí cũng như chủ sở hữu của thửa đất đó.
"Việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản trên đất luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Người mua cần có sự am hiểu pháp luật, các thủ đoạn lừa đảo thường gặp để tránh bị xâm phạm quyền, lợi ích; đồng thời tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia, người có sự hiểu biết, uy tín để được hỗ trợ tối đa trong việc mua bán nhà đất", luật sư Rin khuyến cáo.
Hiện vụ việc trên đã được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành xác minh làm rõ theo quy định pháp luật và chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh Lâm Đồng xin ý kiến theo trình tự tố tụng hình sự…