Làm lại cuộc đời từ những trang sách
Những trang sách xanh nuôi dưỡng ước mơ hồng Lịch sử loài người được tái hiện qua 400 trang sách Nơi thoả sức tìm kiếm những trang sách hay |
Viết văn bằng tất cả niềm háo hức và say mê, những tác phẩm là một cầu nối đầy tha thiết mà một người lầm lỡ muốn trả nợ xã hội. Cuốn truyện dài "Biến tấu của ký ức" của Phạm Ngọc Định chính thức ra mắt độc giả tại Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng).
Viết như... chạy đua với thời gian
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách, tác giả Phạm Ngọc Định cho biết thời đi học ông rất ghét văn chương nhưng cho đến những ngày trong trại giam, sắp phải trả án, sắp từ giã cõi đời này, một điều thôi thúc trong ông là cần phải làm được một điều gì đó để trả nợ cuộc đời.
Với một tử tù thì làm được cái gì? Câu hỏi cứ thế đặt ra trong đầu và ông nghĩ đến những cuốn sách, đến văn chương. Chỉ có cách viết ra thì mới lưu lại được tâm tình, nguyện vọng, suy nghĩ của mình. Nói như nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, đó là cách Phạm Ngọc Định đến gần hơn với thiện lương, với giá trị của con người.
Cuốn truyện dài "Biến tấu của ký ức" của tác giả Phạm Ngọc Định |
Ý tưởng lóe lên trong đầu như ánh sáng cuối đường hầm nhưng một cản trở lại ập đến. Đó là, ông gần như... quên mất mặt chữ. Trong điều kiện khó khăn của trại giam lúc ấy, Phạm Ngọc Định khắc phục bằng cách tách đôi những trang báo của cuốn tạp chí ra và viết trở lại như cậu học trò tập những nét đầu tiên.
"Có những ngày tôi viết được 20 trang, đôi tay viết không thể kịp suy nghĩ của mình. Ý tưởng cứ tràn ra càng khiến mình cuống quýt, muốn viết thật nhanh. Tôi chỉ sợ đang viết thì đến ngày mình phải trả án, mình không kịp hoàn thành tác phẩm dang dở", Phạm Ngọc Định cho biết.
Tác giả Phạm Ngọc Định chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách |
Chạy đua với thời gian, chạy đua với ý tưởng, Phạm Ngọc Định viết hối hả. Hết cuốn tạp chí, ông gửi ra ngoài cho gia đình cất đi và lại viết lên cuốn khác.
Sau đó, khi được giảm án, được sự động viên, tạo điều kiện của cán bộ quản lý trại giam, tác giả viết một cách thoải mái hơn. Những bản thảo sau này được ông trân trọng gửi nhờ nhà văn Nguyễn Đình Tú cất giữ để hôm nay được ra mắt bạn đọc.
Đông đảo bạn bè, người thân đến chúc mừng tác giả Phạm Ngọc Định |
Nói như thế để thấy, niềm khát khao đến với văn chương, tìm mọi cách khắc phục hoàn cảnh và quyết tâm thực hiện tâm nguyện của một người được sinh ra, mắc những lầm lỗi để rồi ăn năn, hối cải và tha thiết muốn làm được điều gì đó có ích cho xã hội.
Văn học cứu rỗi con người
Mượn bối cảnh chính năm 1972 khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, "Biến tấu của ký ức" là những trang viết về những đứa trẻ, những gia đình của Hải Phòng thuở ấy. Thông qua truyện dài này, người đọc có thể hình dung, mường tượng lại một Hải Phòng hiên ngang, bất khuất trong ác liệt của bom đạn chiến tranh.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách |
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - một người con của Hải Phòng cho rằng những nhà văn cùng thời ông có viết nhưng chưa ai lột tả được tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh như "Biến tấu của ký ức".
"Tác phẩm này gây ấn tượng, chạm đến cảm xúc của người đọc không ở tầm vóc ở văn chương, ở sự kiện mà ở sự sáng tạo trong từng trang viết. Trước hết, nó được sáng tạo trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt - đó là nhà giam và bởi một người tử tù. Trên thế giới ít có tác giả và tác phẩm nào đặc biệt đến như vậy.
Ra đời trong hoàn cảnh ấy, những ký ức trong trẻo và đầy tự hào về chiến tranh Nhân dân của đất nước ta, những trò chơi dân gian được kể lại hết sức tự nhiên và chân thực. Đó là điều rất tuyệt vời bởi được viết bởi con người tưởng chừng đã mất hết sức sáng tạo, mất hết giá trị với cuộc đời.
Như vậy văn học đã cứu rỗi con người, làm sống lại ký ức, làm ký ức ấy ngân vang trong tâm hồn con người, mang lại sự tốt đẹp cho xã hội", nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng thì rất tâm đắc về sức sống của tuổi thiếu niên trong thời chiến và sự sáng tạo, dũng cảm của những đứa trẻ của Hải Phòng thuở ấy trong cuốn sách. "Chất liệu của đời sống, tinh thần của người Hải Phòng thể hiện qua ý chí, nghị lực sống của những chú bé hồn nhiên, mạnh mẽ ấy đã mang đến hy vọng cho cuộc đời", nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhận định.
Được trở lại cuộc đời từ năm 2015, Phạm Ngọc Định chăm chỉ làm việc tại trang trại của mình, trồng trọt, chăn nuôi và vẫn "nuôi mộng" văn chương.
Trong thời gian ở trại giam, Phạm Ngọc Định còn viết được một tác phẩm rất dày dặn và ông cho biết cần thời gian cũng như dồn hết tâm sức để chỉnh sửa. "Tôi muốn viết được những tác phẩm có giá trị cho quê hương, đất nước", Phạm Ngọc Định bày tỏ.