Làm nông nghiệp "kiểu Israel"
Chương trình OCOP: “Cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp Thủ đô |
Đi để học hỏi
Là con nhà nông nên từ nhỏ anh Võ đã quen với việc trồng trọt. Tuổi thơ của anh là những ngày cùng bố mẹ lên nương trồng lúa, trồng ngô. Gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ nên khi tốt nghiệp THPT anh Võ quyết định thi vào khoa Nông học, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
“Khi chọn học ngành Trồng trọt mình đã mong muốn làm nông nghiệp khác với bố mẹ. Tuy nhiên, khi đó, trong đầu mình mới chỉ là những mô hình trang trại tổng hợp, vườn rừng hoặc vườn ao chuồng…”, anh Võ chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Võ với mô hình trồng dưa trong nhà lưới. Ảnh MT |
Quá trình học tập, anh Võ chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu và định hình cho mình hướng đi riêng, quyết tâm theo đuổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vừa nhận bằng tốt nghiệp, anh nhận được cơ hội “trời ban”, tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao số một thế giới. Khi đó, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp quốc tế Arava đưa sinh viên đi thực tập tại Israel. Không do dự, anh đăng ký tham gia chương trình.
Thời gian ở Israel không dài nên anh Võ tranh thủ học hỏi. Khi đó, những thực tập sinh như anh ngoài học tập tại giảng đường còn được đi thăm các mô hình, trang trại, tham gia sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Tận mắt chứng kiến người Israel khắc phục điều kiện, khí hậu khắc nghiệt để làm nông nghiệp công nghệ cao khiến anh thêm khâm phục. Anh Võ quyết tâm học hỏi bằng được công nghệ sản xuất nông nghiệp top 1 thế giới để có thể trở về áp dụng tại Việt Nam.
Trở về nước, anh Võ tiếp tục đăng ký học lên thạc sĩ, chuyên ngành Khoa học cây trồng. Năm 2016, anh đăng ký chương trình thực tập nghề nghiệp tại Mỹ. Nếu ở Israel được tìm hiểu về công nghệ tưới ẩm thì sang Mỹ anh có cơ hội học hỏi về công nghệ tự động hóa.
Nối gần khoảng cách Cao Bằng - Israel
Hoàn thành các chương trình đào tạo, anh Võ nhận được lời mời làm việc với mức lương hấp dẫn tại nhiều công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên, năm 2018, anh quyết định về Cao Bằng khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Anh Võ mong muốn có thể góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của đồng bào dân tộc nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Võ cùng người dân phân loại sản phẩm. Ảnh VH |
Một mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao được anh Võ dựng lên với hệ thống nhà màng, nhà lưới cùng công nghệ tưới nhỏ giọt. Không có nhiều vốn nên anh tận dụng tre nứa, nguyên liệu có sẵn của địa phương để xây dựng mô hình.
“Lần đầu bắt tay vào thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không dễ dàng, bởi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở đây không giống với những gì mình được trải nghiệm, thực hành. Hơn nữa người dân nơi đây vốn quen với lối canh tác truyền thống nên họ tỏ ra nghi ngờ về một mô hình nông nghiệp mới với chi phí rất cao”, anh Võ chia sẻ.
Vì vậy, ngoài những gì đã học, anh Võ tham khảo các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương khác. Anh bắt đầu làm phạm vi nhỏ, khi đạt hiệu quả mới mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, anh vận dụng sáng tạo công nghệ tưới ẩm của Israel vào thực tế tại Cao Bằng. Với độ ẩm cao hơn, anh vận dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thay vì tưới phun như ở Israel để đảm bảo cây phát triển, tiết kiệm chi phí và cho năng suất tốt.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh Võ và gia đình đầu tư trên 600 triệu đồng trồng 3.000 m2 rau sạch và hoa quả hữu cơ nhà lưới theo mùa vụ. Hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh ổn định.
Với việc áp dụng công nghệ mô hình của anh Võ không phụ thuộc nhiều thời tiết như cách trồng trọt truyền thống. Hơn nữa, anh còn trồng được các loại cây trái vụ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn và năng suất. Nhìn thấy hiệu quả từ mô hình, người dân nơi đây đã thay đổi suy nghĩ, thậm chí nhiều hộ mạnh dạn đầu tư làm trang trại riêng.
Năm 2022, anh Võ thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Phong gồm 11 thành viên, tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên và thời vụ tại địa phương. Hiện anh đang hoàn thiện cửa hàng nông sản an toàn. Thời gian tới, anh Võ tiếp tục nhân rộng mô hình ra một số huyện, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
"Mình rất tâm đắc với một câu khẩu hiệu của người Israel: "Bạn mơ ước điều gì, hãy biến nó thành hiện thực". Mình luôn lấy đó là phương châm để phấn đấu trong cuộc sống", anh Võ chia sẻ.