Lạm phát cơ bản của Việt Nam tăng 1,1% do giá xăng dầu, lương thực
Thị trường bất động sản đẩy mạnh “kích cầu” trước nỗi lo lạm phát Thứ trưởng Bộ Tài chính: Các chính sách cắt giảm thuế, phí giúp kiểm soát lạm phát |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.
Việc giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5/2022 tăng.
Tính bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.
Ảnh minh họa |
Lạm phát cơ bản tháng 5/2022 của Việt Nam tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 5/2022 giảm 0,52% so với tháng trước, tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 6,48%.
Còn đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày 04/5/2022. Tính đến ngày 25/5, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,53 điểm, tăng 2,78 điểm so với tháng trước.
Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.147 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2022 tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022 giảm 0,49%.