Lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ đạt chuẩn đô thị văn minh Chung tay xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, điểm đến hấp dẫn Tạo nét thanh lịch, văn minh từ sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ |
Phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng ứng xử văn minh, thanh lịch
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND thành phố về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội |
Cụ thể, báo cáo tại hội nghị Tổng kết Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy trong cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết Sở đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa, bước đầu huy động được các nguồn lực từ xã hội, từ các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân... cùng tham gia với thành phố trong lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa và đạt được kết quả theo chiều hướng tích cực.
Đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cùng với việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho thành phố Hà Nội gắn với triển khai thực hiện các cam kết tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực “Thiết kế sáng tạo”.
Sở cũng hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa là lợi thế của Thủ đô như: Di sản, làng nghề, ẩm thực, không gian văn hóa... Cơ quan rà soát, điều chỉnh bổ sung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó tập trung phát triển các trục không gian văn hóa chính.
Hoạt động diễu hành tại chương trình khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 |
Sở cũng tham gia các hoạt động về phát triển công nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức các hội nghị tháo gỡ các khó khăn đối với các doanh nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch văn hóa, văn hóa thể thao, nghệ thuật biểu diễn thu hút đông đảo các nhà sáng tạo trẻ của thành phố tham gia.
Tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm tạo ấn tượng tốt là cách để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nuôi dưỡng, cổ vũ cộng đồng sáng tạo; truyền cảm hứng cho mọi người dân Thủ đô cùng đồng sáng tạo.
Đơn vị cũng xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo tại các quận, huyện, tập trung xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với công nghệ 3D mapping, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội ánh sáng Tây Hồ Tây, Lễ hội Sen Tây Hồ; tour đêm Hoàng Thành, ti tích Nhà tù Hỏa Lò; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức thành công 152 chương trình nghệ thuật trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, Sở đã tham mưu thành phố chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được dư luận Nhân dân đồng tình, ủng hộ: Ban hành Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”; ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Hội nghị tọa đàm nêu bật thực trạng và giải pháp "Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh" |
Triển khai hoạt động này, Sở đã thực hiện khảo sát, tổ chức 5 Hội nghị tọa đàm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2025 - 2030.
Bên cạnh đó là tham mưu ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và ”Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố” và nhiều mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa được xây dựng góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.
Đơn vị cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử tại 52 cơ quan với hằng trăm đơn vị, mô hình được kiểm tra; tổ chức tuyên truyền quy tắc ứng xử trên nền tảng công nghệ số; nâng cao chất lượng tuyên truyền về văn hoá người Hà Nội, văn hóa ứng xử phát sóng trong các chuyên đề, chuyên mục trên hệ thống truyền thanh, truyền hình Hà Nội góp phần đưa 2 quy tắc đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức cán bộ, người dân trong văn hoá ứng xử nơi công sở và các điểm công cộng.
Phát huy giá trị di dản, thúc đẩy đời sống văn hóa cơ sở
Có thể thấy, trong suốt thời gian qua, cùng với sự nỗ lực, tích cực của Sở Văn hóa và Thể thao, công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý; chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục được cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả thông qua phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với việc thực hiện các quy tắc ứng xử do thành phố ban hành và đề án văn hóa công sở của Chính phủ, đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và thu hút được đông đảo tầng lớp Nhân dân hưởng ứng và tham gia. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có nhiều điểm mới, sáng tạo, với nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, toàn diện, nổi bật.
Đặc biệt, năm 2024 Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng và triển khai tiêu chí "Gia đình văn hoá", "Thôn, tổ dân phố văn hoá", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu" thực hiện Nghị định 86/NĐ 86/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành văn hóa Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong xây dựng nông thôn mới các cấp đến năm 2025 đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Kết quả đến nay, thành phố có 88.0% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 65.0% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 75% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.
Đồng chí Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khen thưởng các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy |
Công tác xây dựng các mô hình văn hóa ở hầu hết các quận, huyện, thị xã đã không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của Nhân dân.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến với số lượng gần 6.000 di tích.
Trong đó: 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.166 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1572 di tích xếp hạng cấp thành phố, trên 3.000 di tích chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê.
Công tác tu bổ di tích được quan tâm, đầu tư. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, đạt được nhiều kết quả, nổi bật. Trong nhiệm kỳ qua, thành phố có 19 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số lên 39 di sản.
Chất lượng của các hoạt động văn hoá, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Thành phố Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Đây là tiền đề để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp theo trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa Thủ đô, nâng tầm cũng như đánh dấu đóng góp dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
CHUYÊN ĐỀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 182/KH-UBND VỀ TRIỂN KHAI CHỈ THỊ 30-CT/TU NGÀY 19/2/2024 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI |