Lao động thất nghiệp không trả được nợ ngân hàng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ vào pháp luật hiện hành Luật sư Nguyễn Đức Hùng đã lý giải sâu hơn vấn đề trên.
Cụ thể, nếu hết thời hạn ghi trong hợp đồng mà người lao động thất nghiệp không thể tất toán được khoản nợ thì pháp luật hiện hành quy định cụ thể thế nào?
Theo Luật sư Hùng, bên vay sẽ bị liệt vào danh sách nợ xấu và có thể bị ngân hàng kiện ra Tòa án để đòi tài sản.
Tuy nhiên, trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ khi đến hạn vì lý do bất đắc dĩ như mất việc làm, phá sản hay làm ăn thua lỗ… thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ diễn ra khi có hành vi phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội và cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Theo đó, chỉ khi người vay cố tình không thanh toán nợ bằng cách dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn thì mới bị xử lý hình sự theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mức phạt tù lên đến 20 năm.
Người lao động thất nghiệp ở Hà Nam nỗ lực tìm kiếm cơ hội việc làm (Ảnh Hà Nam) |
Trên thực tế, mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng thiện chí và hợp tác.
Cụ thể, người vay phải sát cánh cùng phía ngân hàng, tìm cách trao đổi, trình bày nguyện vọng một cách trung thực, từ bỏ thái độ né tránh, bất hợp tác và nghĩ ra các cách để trốn nợ.
Bên cạnh đó, người lao động luôn phải có mặt theo thư mời làm việc của ngân hàng. Điều này nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để phía ngân hàng kiểm tra tài sản và thực hiện các biện pháp xử lý nợ.
Đồng thời, người lao động cũng phải tuân thủ lịch triệu tập, xét xử của Tòa án, thông báo giải quyết của cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Ngoài ra, người vay cần chủ động thanh lý tài sản hoặc huy động nguồn tiền để thanh toán nợ cho ngân hàng. Khi đã có đủ tiền tất toán nợ, người vay cần liên hệ ngân hàng qua cán bộ tín dụng, cán bộ xử lý nợ của ngân hàng để tiến hành làm thủ tục tất toán hợp đồng vay.