Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt làng cổ Phước Tích
Gần 3.000 giáo viên đi thực tế tại các di tích của Hà Nội Vinh danh Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Người trẻ Tam Hưng quảng bá văn hóa, di tích lịch sử |
Vẻ đẹp thơ mộng và yên bình của làng cổ Phước Tích (Ảnh thuathienhue.gov) |
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã nhận được tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc đề nghị lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích.
Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến các nhà khoa học Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (nhiệm kỳ 2020 - 2024), Bộ VHTT&DL thống nhất và đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ di tích, gửi về Bộ thông qua Cục Di sản văn hóa.
Được biết, làng cổ Phước Tích được công nhận Di tích quốc gia vào năm 2009. Đầu năm 2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản đề nghị Bộ VHTT&DL lập hồ sơ nâng hạng lên Di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ này.
Làng cổ Phước Tích còn lưu giữ những ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi (Ảnh thuathienhue.gov) |
Đây là làng cổ nổi tiếng với 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu (Ảnh thuathienhue.gov) |
Sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là ngôi làng cổ thứ 2 được Nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích quốc gia. Tại đây không gian làng quê đậm chất Bắc Trung Bộ vẫn còn được lưu giữ các giá trị truyền thống một cách nguyên vẹn.
Với cảnh đẹp cảnh quan và kiến trúc nghệ thuật hiếm có của một làng quê truyền thống. Theo sử liệu, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Nằm ven sông Ô Lâu, giáp với Quảng Trị, và cách trung tâm TP Huế khoảng 40km. Toàn làng có diện tích khoảng 40ha, với khoảng 140 hộ dân sinh sống.
Phiên chợ quê Hương xưa làng cổ thu hút du khách gần xa (Ảnh thuathienhue.gov) |
Nhờ những nghệ nhân gốm tài ba và rất sáng tạo, sản phẩm của Phước Tích mang đậm dấu ấn riêng. Nhờ đó mà 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu lúc nào cũng đầy ắp ghe xuôi ngược chở gốm đi khắp các vùng.
Ghe xuôi về xứ Quảng, ghe ngược về miền Thanh - Nghệ - Tĩnh, ghe về dưới Huế chở gốm vào Hoàng cung... Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân).
Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè…
Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.
Hiện làng cổ Phước Tích đã triển khai được 9 loại dịch vụ gồm: Tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch.
Bên cạnh đó, làng cổ Phước Tích hiện có 11 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.