Lấy doanh nghiệp làm trung tâm thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội, vai trò quan trọng của Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) đối với Thủ đô được nâng lên, được coi là một trong những đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Không chỉ là động lực mới, là đột phá chiến lược, KHCN & ĐMST còn hiện diện, là thành tố quan trọng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Khách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông |
Khai thác, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ Thủ đô
Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KH&CN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu. Đã có trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn, tạo cơ sở khoa học để tham mưu hoạch định cơ chế, chính sách; Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Đáng lưu ý, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội là địa phương duy nhất cả nước đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình Nghiên cứu KH&CN trọng điểm số 20-CTr/TU. Chương trình được triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát nội dung Nghị quyết XII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, 8 chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và tình hình thực tiễn của Thủ đô.
Thông qua triển khai các đề tài, dự án đã thu hút được khoảng 6.000 lượt các nhà khoa học, 189 cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu tham gia nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Bên cạnh đó, tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. TP đã ban hành và triển khai tích cực Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thiết lập Sàn giao dịch công nghệ thành phố; Tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành: Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội (Techmart) hằng năm, Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội, Ngày hội Khởi nghiệp Thủ đô, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô....
Cùng với đó, TP đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp KH&CN; Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để nâng cao năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ.
Qua đó, số lượng doanh nghiệp KH&CN được đăng ký chính thức tăng hàng năm. Đến nay đã có 110 doanh nghiệp KH&CN được đăng ký chính thức.
Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội là một trong những doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao sản xuất dược phẩm |
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Ngay sau Đại hội Đảng TP lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển KHCN & ĐMST trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình 07 xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm lực KH&CN trong và ngoài nước; Dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho KHCN & ĐMST; Chú trọng các nguồn lực xã hội, nguồn lực từ doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu là phát triển KHCN & ĐMST thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN & ĐMST của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực và 5 mục tiêu, 7 chỉ tiêu cụ thể.
Để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực, TP sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về KHCN & ĐMST phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; Cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN & ĐMST,...
Bên cạnh đó, TP sẽ triển khai các giải pháp phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đô thị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc; Xây dựng các khu công nghệ phần mềm tập trung; Xây dựng Đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Hoàn thành xây dựng Dự án Khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm.
Nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, TP sẽ lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Xây dựng một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhân lực trong các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ, phát triển nhân lực quản lý về KHCN & ĐMST ở các cấp; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận với thông tin công nghệ trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO; Triển khai đầy đủ các nội hàm của “Thành phố sáng tạo”; Xây dựng và vận hành Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội; Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo sản phẩm làng nghề ...
Đáng lưu ý, giai đoạn 2021-2025, TP sẽ triển khai hiệu quả 9 Chương trình nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ phát triển bền vững Thủ đô và hội nhập quốc tế.