Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP
Biến vùng đất trũng thành cơ ngơi bạc tỷ
Về xã Tiến Thịnh (Mê Linh, Hà Nội) hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc HTX nông nghiệp Khánh Phong không ai không biết. Anh không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, mà còn là người luôn đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của xã.
Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, anh Lâm thuộc thế hệ 8X, trước đây từng học ngành cơ điện nhưng ra trường lại làm hướng dẫn viên du lịch. Một lần, trên tour du lịch trải nghiệm, thấy các địa phương mình đi qua, người dân làm nông nghiệp rất hay, trong khi ở Mê Linh đất đai màu mỡ nhưng lại bỏ hoang hóa, rất lãng phí.
Năm 2014, anh trở về quê hương thuê lại khu đất bỏ hoang hóa 15ha, một đầu cao khoảng 5ha, một đầu thấp trũng 10ha. Đầu cao để trồng bưởi Diễn, đầu thấp trũng, anh nâng lên trồng ổi, táo, đu đủ. Xung quanh khu 10ha, anh Lâm trồng đu đủ khoảng 2.000 cây (tương đương 1ha).
Đây là giống đu đủ Đài Loan, anh Lâm mua hạt giống ở Viện Nông nghiệp Việt Nam và xuống giống ngay trong năm 2015.
HTX nông nghiệp Khánh Phong đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP |
Theo đó, quy trình trồng 4 loại cây ăn quả nói trên của anh Lâm cơ bản giống nhau, khoảng 80 - 85% sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục. Ngoài ra, anh còn bổ sung thêm một lượng phân NPK, lúc cây đang phát triển để giúp bộ rễ tốt, cây khỏe, sau đó, chủ yếu bón phân chuồng đến khi thu hoạch.
Chỉ tay về phía ao thả cá, vườn ổi, đu đủ, ảnh Lâm bảo rằng, đây là thành quả của nhiều năm phấn đấu không biết mệt mỏi. “Trước đây, khu vực này là một vệt đồng ruộng chiêm trũng, quanh năm nước phẳng trắng băng, đường xá, điện nước thiếu thốn đủ bề. Gia đình tôi là hộ đầu tiên dám ra đây làm kinh tế. Với diện tích ruộng trũng ngày nào, nay tôi chia thành từng khu riêng biệt, khoa học và nuôi, trồng những cây, con giá trị kinh tế cao”.
Sau khi đi vào ổn định, năm 2017 anh tập hợp các thành viên đam mê thành lập HTX nông nghiệp Khánh Phong, cùng nhau sản xuất và tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Theo anh Lâm, từ khi hoạt động, HTX đã xác định sản xuất theo hướng hữu cơ, nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên chất tồn dư không có, đầu ra luôn được đảm bảo. Cụ thể, phân bón chủ yếu là phân chuồng ủ mục và chế phẩm vi sinh Bio-Em được sử dụng cân đối.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nên các sản phẩm OCOP của HTX nông nghiệp Khánh Phong được nâng cao giá trị |
Để hạn chế suy giảm sức khỏe của cây trong quá trình trồng, anh Lâm thường xuyên tỉa bỏ bớt trái. Đồng thời sau mỗi đợt thu hoạch, anh cắt tỉa bớt các cành đã cho trái nhằm kích thích cây nảy mầm ra hoa lứa tiếp.
Với 3.000 cây đu đủ cho trái quanh năm, bình quân từ 1 - 1,3 kg/quả, khoảng 1 tạ quả/cây, HTX thu hoạch 300 tấn quả/năm. Hiện, đu đủ HTX Khánh Phong đã được khách hàng ở nhiều siêu thị, cửa hàng rau quả sạch trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận tin dùng. Giá bán tại các cửa hàng trong hệ thống phân phối của HTX khoảng 20.000 - 23.000 đồng/kg.
Ngoài đu đủ, HTX còn có 10ha ổi, trung bình đạt 40-50 tấn/ha, thu nhập 750 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm; Táo đại giống Nhật 1ha; Bưởi Diễn 2 ha, bình quân thu 1 tỷ đồng/năm…
Nhờ kiên trì sản xuất sạch, năm 2020, HTX nông nghiệp Khánh Phong đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao như đu đủ, ổi, bưởi Diễn, táo...
Nhật ký điện tử, bản cam kết QR Code
Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ trái cây ăn quả, HTX nông nghiệp Khánh Phong (thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đang tập trung hướng dẫn, giám sát các thành viên thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua smartphone, sổ nhật ký điện tử... Nhờ đó, hiệu quả sản xuất được nâng cao, góp phần khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của HTX trên thị trường.
Giơ chiếc điện thoại thông minh, anh Nguyễn Thế Lâm nói: “Hàng ngày, tôi không phải tưới cây hay bón phân mà kiểm tra và cập nhật số liệu vào chiếc smartphone. Khi mới đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, mọi người ai cũng bỡ ngỡ. Bây giờ, chúng tôi đã có thể làm chủ công nghệ, sử dụng được điện thoại thông minh, máy tính vào trồng cây ăn quả”.
Các sản phẩm OCOP của HTX nông nghiệp Khánh Phong |
Theo anh Lâm, các số liệu chăm sóc cây hàng ngày từ nước, phân, thời tiết cho đến tình hình sức khỏe cây trồng, dự báo thu hoạch… được cập nhật và chuyển về trung tâm kiểm soát. Có bất cứ vấn đề gì, số liệu sẽ cảnh báo để các kỹ sư tư vấn, điều chỉnh các kế hoạch thu mua cũng được báo trước để các thành viên chủ động.
Giám đốc HTX nông nghiệp Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm cho biết, nhật ký điện tử không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà quản lý quy trình làm việc với thành viên cũng nhanh và tiện lợi hơn. Đến nay, 100% thành viên đã sử dụng thành thạo nhật ký điện tử trên máy tính và smartphone.
Hơn nữa, từ nhật ký điện tử, các số liệu sẽ được chuyển tới người tiêu dùng khi chọn mua hàng. Theo đó, các số liệu của nông dân cập nhật sẽ tích hợp vào mã truy xuất nguồn gốc QR Code gắn cho mỗi sản phẩm khi lên kệ hàng. Khi chọn một sản phẩm, khách hàng có thể biết tường tận nhà sản xuất, ngày trồng, thu hoạch, quy trình chất lượng, từ trang trại đến bàn ăn.
"Đó như bản cam kết của người nông dân về sản phẩm của mình đến tận mâm cơm mỗi gia đình", anh Lâm khẳng định.
Cũng nhờ áp dụng công nghệ số vào sản xuất, các số liệu hoạt động này được cập nhật lên máy tính, điện thoại của Ban giám đốc nên dù đi đâu cũng kiểm soát được sự phát triển của cây trồng, tạo đà ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất.
Cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, HTX đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” www.chonhaminh.gov.vn của thành phố.
Đến nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Ikonfoods (Hà Nội), An Mộc (Hải Phòng), ZoZo food (Yên Bái)…
“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất theo vùng chuyên canh, đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật, đầu tư chế biến, minh bạch hóa các khâu sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX bắt tay với các kênh phân phối hiện đại, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”, anh Lâm chia sẻ.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |