Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II
Báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội, đại diện Ban Dân tộc TP Hà Nội cho hay, lãnh đạo UBND thành phố đã giao Công an thành phố chủ trì tham mưu công tác an ninh cho Đại hội. Đến nay, Công an thành phố đã lên kế hoạch đảm bảo theo yêu cầu của BTC Đại hội.
Về công tác tuyên truyền trên địa bàn thành phố, đơn vị đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao xây dựng kế hoạch chi tiết tuyên truyền trực quan tại các tuyến phố, các địa điểm diễn ra các hoạt động của Đại hội.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho hay, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số là diễn đàn mang ý nghĩa chính trị rất lớn về việc tôn vinh, động viên khuyến khích đồng bào DTTS trong cả nước đi theo đường lối và thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
"Dự kiến Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số lần thứ II sẽ diễn ra từ ngày 2 - 5/12/2020 tại Hà Nội. Trong hội nghị ngày hôm nay, tôi thay mặt cho Ủy ban Dân tộc mong muốn lắng nghe trực tiếp các ý kiến của các đồng chí về những nội dung quan trọng trong dự thảo báo cáo, đánh giá về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua như bộ mặt nông thôn của hơn 14 triệu đồng bào DTTS đã có những thay đổi rõ rệt ra sao; những nguyên nhân còn tồn tại như thế nào, có đúng với những vấn đề mà địa phương Hà Nội gặp phải hay không...", Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, đồng bào DTTS ở Hà Nội có những điểm khác biệt so với vùng đồng bào DTTS khác bởi yếu tố địa lý. Hà Nội sẽ phấn đấu đến năm 2030 không còn sự phân biệt giữa đồng bào DTTS và đồng bằng. Để làm được điều này phải có nguồn lực rất lớn và cần sự phối hợp của Nhà nước, Nhân dân…
Chủ trương của Hà Nội cũng sẽ phấn đấu không còn hộ nghèo, trừ những hộ bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố hiện nay là 0,42%; Dân tộc thiểu số còn 1,92%. Về giải pháp, quan điểm của TP Hà Nội là tạo điều kiện đầu tư cơ sở giao thông, tạo điều kiện sinh kế, điều kiện hỗ trợ sản xuất. Hà Nội quyết tâm đặt mục tiêu gương mẫu, đi đầu về thực hiện công tác và chính sách dân tộc.
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đồng tình và nhất trí cao các nội dung trong dự thảo. Đối với thực tế của huyện Ba Vì được sự đầu tư của thành phố, đời sống vật chất tinh thần của gần 80.000 người dân thuộc 7 xã miền núi, trong đó có gần 30.000 đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao; Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 12%/năm, thu nhập tăng từ hơn 10 triệu đồng/người/năm lên gần 40 triệu đồng/người/năm; Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 30% còn 1,92%.
Ông Trung góp ý, đối với mục tiêu đến năm 2030 thu nhập của người DTTS bằng ½ bình quân chung cả nước là hơi thấp, chưa sát tình hình thực tế; đề xuất bổ sung thêm các chỉ tiêu về phát triển du lịch tại các khu vực miền núi, chỉ tiêu về dân số, lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì đề xuất, có rất nhiều chính sách ban hành nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS nhưng khi triển khai thì nhiều chính sách chưa đủ nguồn lực, rất khó làm. Đối với các hộ nghèo thì không nên hỗ trợ bằng tiền mặt vì dễ làm cho họ ỉ lại, “lười thoát nghèo”.
Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì tham luận tại hội nghị |
Đáp lại ý kiến của các đại biểu huyện Ba Vì, đồng chí Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, huyện Ba Vì khẩn trương hoàn thiện đề án căn cơ trình thành phố để nghiên cứu xem xét xin cơ chế, xin quỹ đất. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào có đề án cụ thể, xin chuyển đổi đất nông nghiệp sang làm các dự án du lịch hiệu quả hơn, thay vì trồng những cây nông nghiệp ít hiệu quả kinh tế thì sẽ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Ba Vì cần huy động doanh nghiệp tham gia và phải có chiến lược phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Thời gian đầu có thể khó khăn nhưng có sự hỗ trợ của nhà nước, kết nối doanh nghiệp và nông dân thì sẽ làm được.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh khẳng định, Ủy ban Dâm tộc sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội để đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội phải về đích đầu tiên, cơ bản không còn hộ nghèo; Đồng thời tiếp thu ý kiến và lựa chọn đưa vào Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II.