Lộc Trời chi 180 tỷ hướng dẫn nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật
Tập đoàn Lộc Trời và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa ký “Cam kết hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học” nhằm hỗ trợ nông dân và nâng cao chất lượng nông sản tại Việt Nam.
Cam kết này được thực hiện từ năm 2022 đến 2025 với tổng kinh phí dự kiến của toàn chương trình lên tới hơn 180 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách dành cho năm 2022 chiếm gần 80 tỷ đồng, do Tập đoàn Lộc Trời tài trợ.
Theo nội dung ký kết, Tập đoàn Lộc Trời sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật triển khai nhiều chương trình quan trọng trong năm 2022 và tiếp tục duy trì phát triển đến 2025, bao gồm 5 nội dung chính liên quan đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả.
Kỹ sư nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời cùng nông dân tiến hành lấy mẫu đất về kiểm nghiệm tại các vùng nguyên liệu SRP 100 năm 2020 |
Đồng thời, hai bên cũng phối hợp thực hiện chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường”, thu gom tiêu hủy bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định; Đầu tư, nghiên cứu, mở rộng sản xuất và tăng cường sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hữu cơ, vi sinh.
Ngoài ra, hai bên cũng hợp tác xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất canh tác, tối ưu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mùa vụ…
Theo cam kết này, dự kiến trong năm 2022, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời sẽ thực hiện 3.500 buổi gặp hơn 100.000 lượt hộ nông dân tại 40 tỉnh, thành để tập huấn, cập nhật, nâng cao kiến thức cho bà con về các sử dụng an toàn hiệu quả đối với các loại thuốcbảo vệ thực vật do tập đoàn sản xuất và phân phối.
Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục mở rộng diện tích canh tác đạt điểm tuyệt đối SRP-100 trên cây lúa |
Song song hoạt động này, Tập đoàn Lộc Trời sẽ phối hợp với các địa phương để cập nhật thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả cho các đại lý trong hệ thống phân phối của tập đoàn và các hợp tác xã liên kết, dự kiến thực hiện 2.500 đợt tập huấn cho các hơn 4.000 đại lý các cấp tại 52 tỉnh, thành trong cả nước.
Tập đoàn Lộc Trời sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng các bể chứa, thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực Tây Nguyên theo các cụm thí điểm trên diện tích cây trồng từ 100ha trở lên.
Việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tối ưu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động mùa vụ. Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục mở rộng diện tích canh tác đạt điểm tuyệt đối SRP-100 trên cây lúa tại Đồng Tháp, An Giang, áp dụng mô hình “Không dấu chân” - 100% cơ giới hóa trên 3.700ha cây lúa.
Tập đoàn Lộc Trời cũng sẽ quyết liệt triển khai mô hình liên kết sản xuất bao lợi nhuận (Lộc Trời 123) cho hơn 200.000 bà con nông dân với diện tích dự kiến 150.000ha ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa để giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật xuống đồng ruộng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với việc đầu tư, nghiên cứu và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hữu cơ và vi sinh, tập đoàn Lộc Trời đã dự trù ngân sách hàng năm lên tới 10 tỷ đồng cho Viện Nông nghiệp Lộc Trời để đến năm 2030, bộ sản phẩm bảo vệ mùa vụ mà tập đoàn cung cấp cho bà con nông dân sẽ có thêm nhiều sản phẩm thuốc sinh học, an toàn và hiệu quả, tăng số lượng lên đến 40 sản phẩm, chiếm 40% tổng cơ cấu thuốc bảo vệ thực vật của tập đoàn.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với tổng kinh phí lên tới 180 tỷ đồng cho phần cam kết này, đây là cố gắng rất lớn của tập đoàn nhằm góp phần tăng hiểu biết của bà con nông dân, điều chỉnh ý thức và thói quen canh tác mùa vụ, hướng tới sản xuất xanh và bền vững.