“Lời chào cao hơn mâm cỗ” khi trải nghiệm Vinbus
Phụng sự từ trái tim
Hành khách là người mang lại cuộc sống, thu nhập cho chính những nhân viên trên xe buýt và tuyến buýt chỉ tồn tại khi được đạt được số khách trải nghiệm thường xuyên. Tuy nhiên, trong nhiều năm, xe buýt - mô hình giao thông tiện ích lại gây nhiều ám ảnh bởi thái độ ứng xử chưa tốt của đội ngũ nhân viên với hành khách, khiến cho họ cảm thấy chán nản.
“Tôi đã sử dụng xe buýt là phương tiện di chuyển chính 10 năm nay. Nhiều trường hợp tài xế hay phụ xe tỏ thái độ thiếu chuyên nghiệp và hoà nhã, đặc biệt trong các giờ cao điểm, hành khách lên xe đông. Đáng nói, có nhiều trường hợp còn thể hiện lời nói, ứng xử thiếu tôn trọng đến người lớn tuổi” - chị Lê Huyền (sinh năm 1983, quê quán Hà Nội) bức xúc bày tỏ.
Hệ thống trạm sạc tại Vinbus Depot Smart City (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) giúp xe sạc nhanh sau 2h và di chuyển 220-260 km cho một lần sạc lý tưởng |
Với nhiều người, chất lượng ở đây đơn giản đến từ thái độ niềm nở, cử chỉ thân thiện đến từ tài xế và tiếp viên trên xe và nhiều khách hàng đã “vỡ òa hạnh phúc” khi trải nghiêm phương tiện xe công cộng trên những chuyến xe buýt xanh mang những mã số E của Vinbus.
Là người thường xuyên đi xe buýt trong 7 năm qua, chị Nguyễn Bích Ngân (hộ khẩu Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bản thân sẽ cảm thấy thoải mái và được tôn trọng khi nhận được lời chào của tiếp viên khi bước lên xe. “Những điều này ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của tôi trong suốt hành trình trên xe, nhất là chuyến về nhà sau một ngày mệt mỏi với việc học và làm việc”, Ngân kể.
Cũng giống như chị Nguyễn Bích Ngân, bạn Như Quỳnh (19 tuổi, Hà Nội) khẳng định: “Tôi sử dụng tuyến buýt Vinbus làm phương tiện di chuyển thường ngày. “Vinbus xin chào”, “Vinbus xin cảm ơn” hay đôi khi chỉ là lời hỏi thăm nhỏ nhặt của tiếp viên khiến tôi cảm thấy vô cùng cảm động, bản thân nhận được quan tâm chu đáo của nhân viên. Xe buýt không còn là công cụ mà mình buộc lựa chọn, mà nó dần trở thành người đồng hành, dần tôi cũng yêu quý nó, quý cả đội ngũ nhân viên”.
Trước mỗi chuyến hành trình đưa đón hành khách, các tiếp viên Vinbus sẽ kiểm tra lại không gian nhằm đảm bảo yêu cầu sạch sẽ, thoải mái cho người dân |
Là tiếp viên gần một năm của tuyến Vinbus E01, bến xe Mỹ Đình - Ocean Park, chị Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, tệp khách hàng sử dụng Vinbus đa số là người cao tuổi, di chuyển chậm chạp hơn người trẻ, thế nên, tài xế sẽ cố gắng dừng đỗ cẩn thận, còn tiếp viên quan tâm họ như chính bố mẹ, ông bà của mình. Bởi người con nào cũng mong muốn cha mẹ mình được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất và được chăm sóc tận tình, nhất là khi tham gia phương tiện công cộng.
Sự quan tâm ấy tới từ những lời nhắc nhở đã đến bến, việc đổi chỗ khi có người say xe, hay đẩy xe cho người khuyết tật. “Nhiều hành khách đi xe thường hỏi tại sao chúng tôi không thu âm lời chào và lời cảm ơn để phát, nhưng với thông điệp “phụng sự từ trái tim”, nên mọi hành động, lời nói đều xuất phát từ trái tim, cái tâm của người làm nghề”, chị Lan Phương bộc bạch.
Trời chưa tờ mờ sáng, tài xế và tiếp viên của xe buýt đã bắt đầu sứ mệnh “phụng sự” người dân của mình, điều này không tránh khỏi sự mỏi mệt và căng thẳng khi làm việc. Thế nhưng, bằng những cử chỉ quan tâm nhỏ bé của mình, bản thân họ cũng nhận lại được những lời cảm ơn chân thành từ khách hàng. Sự đối đáp ấy trở thành “cổng sạc” tiếp thêm năng lượng, nhiệt huyết cho những cho những chuyến hành trình tiếp theo của tài xế, tiếp viên.
Thúc đẩy đô thị văn minh, hiện đại
Ở một số phương tiện giao thông công cộng như Vinbus, lời chào trở thành tiêu chuẩn dịch vụ và khách hàng là trung tâm, kim chỉ nam cho hoạt động vận tải. Không ai khác mà chính những nhân viên xe buýt là “bộ mặt” phản ánh văn hoá doanh nghiệp.
“Dập tắt một đốm lửa nhỏ có thể cứu cả khu rừng, huống chi một lời chào tử tế có thể giúp chúng ta có một ngày dài tích cực. Trong ngành dịch vụ, chào hỏi là yêu cầu tối thiểu của người nhân viên. Từ chính trải nghiệm di chuyển bằng xe buýt, thái độ mến khách của nhân viên khiến tôi có cái nhìn khác về chất lượng đào tạo đội ngũ nhân viên của hệ thống phương tiện công cộng” - anh Đoàn Văn Tân (Hộ khẩu Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Nguyễn Chí Nguyên, tài xế xe Vinbus tuyến E09 và chị Nguyễn Thị Lan Phương tuyến Vinbus E01, bến xe Mỹ Đình - Ocean Park |
Những người tiếp viên không chỉ đảm nhận nhiệm vụ thu tiền vé, bản thân họ là đại sứ truyền đi thông điệp “đối nhân xử thế”, văn hoá sử dụng phương tiện công cộng tới người dân. Những thay đổi nhỏ trong giao tiếp từng bước khẳng định xe buýt hay phương tiện giao thông công cộng vừa là loại hình di chuyển tối ưu, vừa đảm nhận vai trò nuôi dưỡng văn hoá, văn minh đô thị.
Theo anh Nguyễn Chí Nguyên, tài xế xe Vinbus tuyến E09, với kinh nghiệm 25 lái xe của mình, khi chuyển công tác sang lái loại hình công cộng, nguyên tắc vàng của mỗi tài xế Vinbus là “phía trước tay lái là sự sống, lá xe bằng cả trái tim”. Với anh Nguyên, sự an toàn của hành khách là yêu cầu tiên quyết, bởi vô lăng ấy không những nắm giữ sinh mạng hàng chục hành khách trên xe, mà còn là loạt phương tiện di chuyển bên cạnh.
“Vinbus xin chào” kèm theo nụ cười thân thiện giúp hành trình di chuyển của người dân cũng trở nên dễ chịu hơn |
“Văn hoá điều khiển phương tiện là điều chúng tôi được nhắc nhở ngay từ khi tuyển dụng. Sự thoải mái của hành khách, sạch sẽ của phương tiện là điều chúng tôi được đào tạo. Trong tình trạng giao thông dày đặc, tay lái của tôi càng phải chắc chắn, êm thuận, nhường nhịn phương tiện giao thông khác” - anh Nguyên chia sẻ.
Bạn Hoàng Hương Giang (20 tuổi sinh viên trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội), người thường xuyên sử dụng xe buýt Vinbus nhận định: “Sự thân thiện tạo dựng niềm tin cho người dân về chất lượng dịch vụ, đồng thời giúp thu hút khách hàng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh. Khi cả hai bên cùng tạo cho nhau thái độ tốt đẹp, môi trường giao tiếp hài hoà, thân thiện cũng hình thành từ đó”.
Những “lá phổi xanh” rong ruổi trên khắp cung đường thành phố mang trên mình trọng trách lan toả văn hoá giao thông thông minh. Nhiều nhân viên xe buýt cũng cho rằng, nhờ những câu chào hỏi ấy, số lượng hành khách dần cởi mở, chào đáp lại tài xế, tiếp viên tăng lên. Bên cạnh đó, hành khách trên xe cũng ý thức hơn trong việc tuân thủ nội quy lên cửa trước, xuống cửa sau, nói chuyện nhỏ nhẹ để không gian chung cho mọi người trên xe buýt. Và để những chuyến xe an toàn và ý nghĩa, người sử dụng cũng cần nhận thức đúng mực, tìm hiểu văn hoá giao thông công cộng, đặc biệt là sự hợp tác hoà hợp giữa hành khách và đội ngũ nhân viên.
Không gian bên trong những chiếc xe buýt điện thoáng đãng với nhiều tiện ích như wifi miễn phí, cổng sạc USB, hệ thống camera an ninh và kiểm soát hành trình… |
Giữa bộn bề của cuộc sống hiện đại, lời chào hay nhiều điều nhỏ bé khác đôi khi là thứ làm nên một xã hội văn minh và đầy yêu thương. Mỗi chuyến xe không đơn thuần là phương tiện di chuyển mà là “cầu nối” gắn kết con người với con người bằng điều tử tế, là hành trình khám phá ra những giá trị tốt đẹp trong văn hoá giao thông công cộng.