Long An: Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Long An: Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực bứt phá Giải pháp thoát nghèo bền vững |
Những con số khích lệ
Thời gian qua, tỉnh Long An đã thực hiện mục tiêu, định hướng chung: tạo việc làm bền vững, giảm dần lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động, giúp chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ; tạo ra nhiều việc làm mới; hỗ trợ người lao động thất nghiệp sớm nhanh chóng quay trở lại thị trường; tạo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo tốt các điều kiện lao động, và an sinh xã hội.
Cùng với đó, thị trường lao động trở thành một phần động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang làm việc khu vực sản xuất hàng hóa, kinh tế, có quan hệ lao động.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. (Ảnh: Thanh Nga) |
Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm nhanh, từ 48,3% năm 2011 xuống còn 40,16% năm 2017 và 27,54% năm 2022; tỷ trọng lao động trong khu vực có quan hệ lao động tăng từ 35% năm 2011 lên gần 43% năm 2017 và 53,81% năm 2022; thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện - tiền lương bình quân thực tế theo tháng của người lao động làm công hưởng lương đạt 12,15% giai đoạn 2011 - 2022.
Trao đổi với báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hỗ trợ cho 4.379 lượt doanh nghiệp, 303.818 lượt lao động với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, ngành đã hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp là 2.690 lượt, 275.013 lượt lao động với kinh phí hơn 137 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.689 lượt, 28.805 lượt lao động; kinh phí hơn 28 tỷ đồng.
Gắn kết hơn đào tạo nghề giải quyết việc làm
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An sẽ tiếp tục phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, củng cố và mở rộng thị trường lao động phù hợp với trình độ, tay nghề, nhu cầu việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa; nâng cao năng lực dự báo nhu cầu sử dụng; chú trọng các giải pháp tạo việc làm bền vững, việc làm mới, lao động thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế, lao động nữ; sử dụng lao động có hiệu quả thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, chính sách tín dụng hỗ trợ việc làm.
Bên cạnh đó, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ổn định, duy trì các thị trường hiện có, mở rộng thị trường có thu nhập cao; đa dạng hình thức làm việc theo thời hạn và thời vụ, phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề của người lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030”; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng và hội nhập quốc tế.
Người lao động được tư vấn các chính sách về việc làm và tìm hiểu về Bản đồ việc làm Long An (Ảnh: Lê Quang) |
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030,” đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế.
Song song với đó, Sở chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, theo hướng ứng dụng, thực hành, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, an toàn và vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được Sở chú trọng, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có nhiều lao động.
Sở thường xuyên hướng dẫn, giám sát và kiểm tra để đảm bảo tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Sở đẩy mạnh việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Sở cũng đã xây dựng dự báo nhu cầu đào tạo, đặc biệt trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ có tỷ lệ phát triển cao.
Cuối cùng, Sở tích cực thu hút đầu tư, hợp tác công tư và quốc tế trong lĩnh vực đào tạo chất lượng cao nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.