Lớp học xuyên biên giới của cô giáo dân tộc Mường
Cô giáo trẻ cũng là diễn giả chính của nhiều sự kiện quốc tế như tuần lễ học tập về phát triển đa ngôn ngữ của tổ chức VVOB tại Bỉ, các hội thảo quốc tế. Chị còn là chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE Expert) và được đề án hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ ghi nhận vì những đóng góp trong giảng dạy và hỗ trợ đồng nghiệp dạy học trực tuyến trong đại dịch Covid-19 năm 2020.
Với những thành tích xuất sắc đó, cô giáo Hà Ánh Phượng là một trong những đề cử cho Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.
Không giới hạn không gian
Theo cô giáo Phượng, lớp học xuyên biên giới là mô hình cho phép việc kết nối các lớp học với nhau, không hạn chế ở 4 bức tường. Đặc biệt, các lớp học trên thế giới có thể kết nối với nhau cùng làm dự án, nghe giảng, gặp gỡ chuyên gia...
Ý tưởng về lớp học này đầu từ khi cô giáo Phượng về công tác tại trường THPT Hương Cần vào năm 2016. Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Thượng Long, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ). Học cấp 2 chị đã phải xa gia đình vào học tại trường nội trú của huyện nên thấu hiểu những thiệt thòi mà những học trò nghèo ở miền núi phải chịu.
Cô giáo Hà Ánh Phượng |
Vì thế, cô giáo Phượng luôn trăn trở làm sao tìm ra phương pháp dạy ngoại ngữ hiệu quả nhất cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt, giúp các em yêu ngoại ngữ một cách thân thuộc như chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình... Chị học hỏi, mày mò tìm lời giải cho câu hỏi.
Cơ hội đến khi năm 2018 cô giáo Phượng tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Từ cuộc thi này mình biết tới một diễn đàn toàn cầu của Microsoft - nơi các giáo viên khắp thế giới tham gia chia sẻ, hỗ trợ nhau. Từ đây, mình xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh các nước khác, gắn liền với nội dung bài học”, cô giáo Phượng chia sẻ
Chị đã dùng Skype để kết nối với giáo viên và học sinh ở nước ngoài trong cộng đồng giáo dục Microsoft. Cô giáo trẻ còn thiết kế bài giảng, các tiết học cho học sinh tự giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền.
Tuy nhiên, làm thế nào để thay đổi tư duy của các em học sinh dân tộc thiểu số nhằm bắt kịp với công nghệ, giao tiếp, ứng xử với học sinh, thầy cô trên thế giới không hề đơn giản? Bởi vốn dĩ các em học sinh dân tộc thiểu số vốn nhút nhát, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế? Thậm chí, “thấy thầy giáo trên màn hình, có em thốt lên “ông Tây” rồi trốn đi vì sợ, nhiều em ngồi im”, cô giáo Phượng kể.
Giúp học trò tự tin hơn
Khó nhưng cô giáo Phượng không nản. Tình yêu nghề, yêu học trò đã giúp chị tìm ra giải pháp. Chị luôn cố gắng “làm bạn” với học sinh để hiểu các em hơn. Các bạn học sinh đang độ tuổi thích giao lưu, kết nối nên cô giáo Phượng đã “nhử” các bạn ấy bằng cách cho kết nối với không chỉ riêng giáo viên mà cả học sinh nước ngoài cũng bằng trang lứa qua mô hình lớp học xuyên biên giới.
Cô giáo Hà Ánh Phượng lọt Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 |
Lớp học sẽ không chỉ có thầy cô mà chuyển thành giao lưu giữa các học sinh là chính. Sau những tiết học, học sinh sẽ chủ động nhắn tin cho nhau và trao đổi bằng tiếng Anh qua đó vốn từ của các bạn ấy tăng lên rất nhiều.
Vì thế, các bạn học sinh dân tộc thiểu số đã vượt qua nỗi mặc cảm, tự tin học, giao tiếp, kết nối với bạn bè khắp năm châu. Bằng mô hình lớp học xuyên biên giới, học sinh vùng cao Việt Nam đã vươn mình ra thế giới.
Sự sáng tạo đó đã giúp cô giáo Phượng lọt vào Top 50, rồi Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 do Quỹ Varkey bình chọn.
Bên cạnh việc giảng dạy, cô giáo Phượng còn tham gia nhiều hoạt động, dự án hoạt động xã hội ý nghĩa khác. Chị dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia; Dạy văn hóa Việt Nam cho trẻ em gốc Việt ở California (Mỹ). Sáng Chủ nhật hàng tuần, chị dạy cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ.
Năm 2020, dự án mang tên “Nói không với ống hút nhựa” của cô giáo Phượng đã lan tỏa đến 40 quốc gia, qua đó truyền thông điệp, bảo vệ môi trường, hạn chế dùng đồ nhựa. Hiện, chị triển khai dự án phòng, chống bạo lực trong không gian mạng.
Theo cô giáo Phượng, có rất nhiều cạm bẫy trên không gian mạng luôn rình rập các em học sinh. Khi tiến hành khảo sát thực tế, có đến 2/3 học sinh cho biết từng bị bắt nạt trên không gian mạng. Vì thế, chị đã cho ra đời bộ cẩm nang hướng dẫn các em học sinh cách tự bảo vệ bản thân.
“Mình nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các đơn vị, tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mình vẫn muốn được làm cô giáo làng, tiếp tục lan tỏa niềm yêu thích học ngoại ngữ cho học sinh và thực hiện các dự án xã hội, truyền đi giá trị tích cực trong cộng đồng”, cô giáo Phượng tâm sự.