Luật sư đề nghị làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Nhà Xuất bản GDVN
Công bố đường dây nóng giải đáp thắc mắc về nhu cầu mua sách giáo khoa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam "bất tuân" quy định của Chính phủ? |
Nhân dân bức xúc tăng giá sách giáo khoa và chuyện mập mờ thông tin của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam
Báo Tuổi trẻ Thủ đô vừa qua đã thông tin, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (trước đây là Nhà xuất bản Giáo dục) là doanh nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Là doanh nghiệp Nhà nước, theo quy định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển; Kế hoạch sản xuất, đầu tư; Báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không công bố báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh hằng năm trên website của công ty lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo dù có tóm lược số liệu tài chính. Về báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thực hiện công bố nhưng không đầy đủ, năm có năm không.
Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố thông tin doanh nghiệp đầy đủ, đặc biệt là các báo cáo tài chính hằng năm khiến dư luận đặt nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh sách giáo khoa của đơn vị này. Trong khi việc tăng giá sách giáo khoa đang là vấn đề gây bức xúc với phụ huynh học sinh cũng như công chúng trong thời gian qua.
Nhân dân bức xúc tăng giá sách giáo khoa và chuyện mập mờ thông tin của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề |
Trong một báo cáo tóm tắt, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, doanh thu từ sách giáo khoa năm 2017 đạt 704 tỷ đồng, năm 2018 là 734 tỷ đồng và năm 2019 là 967 tỷ đồng. Năm 2020 dù chưa công bố nhưng đơn vị này ước thu từ kinh doanh sách giáo khoa là 1.010 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, vừa qua, trả lời báo chí, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng có những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.
Do đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.
"Tôi đã chỉ đạo triển khai việc này từ 2021 và hiện nay các cơ quan liên quan đang thực hiện nhiệm vụ", ông Sơn chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26/5 vừa qua.
Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố thông tin doanh nghiệp đầy đủ là trái với Nghị định 81/2015/NĐ-CP và Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc về ban lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo đó, bên cạnh những ưu điểm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; Công tác tổ chức cán bộ; Tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; Biên soạn sách giáo khoa...
Để tìm hiểu về việc không công bố thông tin doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc này, phóng viên đã liên hệ trao đổi với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua phóng viên không nhận được phản hồi từ các đơn vị trên.
Đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam
Nhận định tính chất pháp lý về sự việc này, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Giáo dục và Đào tạo khi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin doanh nghiệp |
Cụ thể hơn, ngày 18/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước. Mới nhất, Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp của Chính phủ cũng đã nêu việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp; Bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan Nhà nước và xã hội.
Theo ý kiến của vị luật sư, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ một lượng lớn vốn, tài sản của Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, hoạt động trong những lĩnh vực mà khối tư nhân không tham gia hoặc do độc quyền tự nhiên; Cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, quan trọng đối với nền kinh tế.
Do đó, công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là một trong những công cụ hữu hiệu để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám sát việc thực thi các nhiệm vụ được Nhà nước giao và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này.
Theo đó, việc công khai thông tin giúp chia sẻ, minh bạch hóa thông tin trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan (ví dụ: Người lao động, nhà đầu tư, đối tác kinh doanh...).
Đồng thời, Nhân dân là chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp Nhà nước; Cơ quan đại diện chủ sở hữu và những người có liên quan chỉ được ủy quyền để thực thi quyền sở hữu của Nhân dân đối với doanh nghiệp.
Vì vậy, cần thiết phải công bố thông tin, giải trình để Nhân dân có cơ sở đánh giá, xác thực rằng các tổ chức, cá nhân được ủy quyền đại diện đang hành động vì lợi ích của Nhân dân và đang sử dụng có hiệu quả nguồn lực (trong đó có nguồn gốc từ tiền thuế của Nhân dân) được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc minh bạch thông tin đối với hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn phải được thực thi trên cơ sở các cam kết quốc tế.
Cụ thể, theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với tư cách là một thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp cho các thành viên khác thông tin liên quan tới một doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước hoặc một doanh nghiệp Nhà nước độc quyền (tỷ lệ cổ phần, doanh thu hàng năm, tổng tài sản trong 3 năm gần nhất, báo cáo tài chính hàng năm đã kiểm toán,..) với điều kiện yêu cầu đề nghị cung cấp phải đưa ra giải thích lý do tại sao hoạt động của doanh nghiệp đó có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư giữa các bên.
Theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp Nhà nước phải công bố công khai một số thông tin như: chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm của doanh nghiệp; báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất; Báo cáo tài chính; Báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức; Báo cáo tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp, báo cáo thông tin bất thường. Doanh nghiệp gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp tại địa chỉ http://www.business.gov.vn.
Luật sư cho rằng, việc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố đầy đủ thông tin doanh nghiệp thì cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị đại diện sở hữu vốn Nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó là trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
"Mặc dù theo quy định, người quản lý sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo, doanh nghiệp bị xử phạt hành chính nếu không thực hiện công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, chế tài hiện hành chưa đủ nặng để bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, do đó, tôi cho rằng phải tăng mạnh chế tài xử lý, đặc biệt là người đứng đầu đơn vi vi phạm và đại diện sở hữu", vị luật sư nhận định.
Cũng theo ý kiến của Luật sư Hồng, cơ quan có thầm quyền cần thiết xác định việc rà soát, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước là việc làm thường xuyên để thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật hiện hành cũng như phù hợp với các thông lệ quốc tế.