Lùm xùm vụ “Chứng khoán Ngô Nam” và những tai tiếng của Chứng khoán KB Việt Nam
Chứng khoán Shinhan Việt Nam khai trương chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội Nhà đầu tư chứng khoán sẽ được mua bán cổ phiếu T+2 từ cuối tháng 8 |
Lùm xùm vụ "Chứng khoán Ngô Nam" hô hào "lùa gà" nhà đầu tư
Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến một số công ty chứng khoán có một số hiện tượng hô hào, mời chào, hứa hẹn lợi nhuận khi đầu tư khiến nhiều nhà đầu tư vỡ mộng, mới nhất là vụ việc nhóm "Chứng khoán Ngô Nam" mà báo chí phản ánh.
Theo đơn phản ánh của một số người là nhà đầu tư chứng khoán có tham gia nhóm của “Chứng khoán Ngô Nam”, nếu nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư chứng khoán vào nhóm tên "Ngô Nam", họ bắt buộc phải mở tài khoản, nộp tiền cho một công ty chứng khoán để chứng minh rằng họ thực sự đầu tư.
Khi vào nhóm, nếu nhà đầu tư được coi là chỉ tham khảo thông tin thì sẽ bị đuổi ra khỏi nhóm. Thực tế, các nhóm đã lôi kéo từ những người có tài khoản từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Các bước tham gia thậm chí còn được vạch ra, yêu cầu mọi người làm theo 4 bước mà tài khoản có tên Ngô Nam nói là để kiếm tiền.
Hình ảnh trên trang mạng xã hội có tên “Ngô Nam lừa đảo chứng khoán” |
Bước 1, mở tài khoản chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các nhà đầu tư thông qua một nhà môi giới được chỉ định để đảm bảo tính bí mật của cổ phiếu đã mua. Những ai bỏ hết tiền vào KBSV sẽ được ưu tiên đặc biệt.
Bước 2, gọi là “Mua theo lệnh của Ngô Nam”. Theo đó, Ngô Nam yêu cầu tất cả các nhà đầu tư phải đặt lệnh cho đối tượng này. Đồng thời phải thực hiện đúng trình tự mã hàng, giá cả, số lượng theo đơn đặt hàng của Ngô Nam và tuyệt đối không được tiết lộ bí mật. Ai để lộ thông tin sẽ bị truất quyền tham gia cuộc chơi.
Bước 3 với tên gọi “Bẻ lời cuối tuần”, Ngô Nam yêu cầu nhà đầu tư mua cổ phiếu theo lệnh của đối tượng này và chụp ảnh tài khoản đã đầu tư để khoe lợi nhuận.
Bước 4, “Chụp ảnh số dư tài khoản tuần sau”: Vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, nhà đầu tư phải chụp ảnh số dư tài khoản trên tài khoản KBSV để chuẩn bị cho đợt mua hàng tuần sau, gửi đến các nhóm tham gia (X1, X2, X3…). Các nhà đầu tư không tham gia nhiều nhóm hoặc không nhảy nhóm.
Để nhà đầu tư quyết định xuống tiền, tài khoản có tên Ngô Nam đã kêu gọi và vẽ ra viễn cảnh giàu có sau khi đầu tư bằng các mối quan hệ và nguồn thông tin mà mình nắm trong tay…
Tin vào những lời đường mật mà không nghĩ đó là cạm bẫy, rất nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ, thậm chí mất trắng số tiền đầu tư.
Sau đó, các nhà đầu tư và nạn nhân có mặt trong đơn tố cáo đều cho rằng đây là hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thậm chí là lừa đảo nên mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, làm rõ.
Tai tiếng của Chứng khoán KB Việt Nam
Trước những phản ánh của hàng trăm nhà đầu tư, KBSV đã có văn bản cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc "Chứng khoán Ngô Nam".
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam |
Trong văn bản ký ngày 27/6, đại diện lãnh đạo KSBV cho biết, khách hàng Ngô Nam mở tài khoản tại công ty ngày 11/12/2020 do có nhu cầu cá nhân về việc lưu ký cổ phiếu MSB. Từ đó khách hàng này chủ động sử dụng các dịch vụ và thực hiện giao dịch trên tài khoản cá nhân đăng ký tại hệ thống KBSV bình thường.
Ngày 7/1/2022, khách hàng Ngô Nam có nhu cầu đăng ký hợp đồng dịch vụ phát triển khách hàng (DSF) tại KBSV để quản lý nhóm khách hàng do ông Nam và bà Ngô Thị Thúy Hằng (theo phản ánh bà Hằng là em ông Nam) trực tiếp làm việc và giới thiệu.
Nhận được yêu cầu nêu trên, phía KBSV có ông Đinh Hồng Đăng - chuyên viên hỗ trợ khách hàng thực hiện làm hợp đồng DSF cho bà Ngô Thị Thúy Hằng để đưa nhóm khách hàng về giao dịch tại công ty phù hợp với quy định của công ty và pháp luật.
Từ thời điểm đó, các khách hàng đến trực tiếp công ty yêu cầu mở tài khoản và liên lạc cho chuyên viên hỗ trợ khách hàng là ông Đinh Hồng Đăng để yêu cầu hỗ trợ mở tài khoản và hướng dẫn giao dịch tại công ty. Ông Đăng có nhiệm vụ cùng các bộ phận liên quan hỗ trợ khách hàng sử dụng các dịch vụ hợp pháp do KBSV cung cấp.
"Tổng số khách hàng và giao dịch tại KBSV tính đến ngày 16/6/2022 là 1.315 tài khoản, được gắn cho DSF Ngô Thị Thúy Hằng quản lý. Trong đó, toàn bộ chi phí giao dịch của khách hàng gắn cho DSF Ngô Thị Thúy Hằng được chi trả theo quy định của công ty", văn bản của KBSV nêu.
Đồng thời, đại diện lãnh đạo KBSV cũng cho biết, nhóm khách hàng giao dịch này mở tài khoản và được sự xác nhận từ bộ phận nghiệp vụ của công ty. Sau thời điểm mở tài khoản, nhóm khách hàng chủ động giao dịch trên tài khoản cá nhân bằng cách đặt lệnh qua hệ thống của KBSV mua bán các mã chứng khoán: PAS, BNA, VGP, ADS, VC2.
Bên cạnh đó, khi mở cho tất cả khách hàng trên, KBSV đã hoàn tất về mặt thủ tục và hồ sơ, kèm theo xác nhận khi mở tài khoản tại công ty. Về việc mua bán các mã cổ phiếu là do khách hàng hoàn toàn chủ động thực hiện trên hệ thống dịch vụ do KBSV cung cấp. Đơn vị này không thực hiện bất kỳ khuyến nghị nào liên quan đến các mã cổ phiếu nêu trên.
Cũng theo thông tin của KBSV cung cấp, tính đến ngày 16/6/2022, DSF Ngô Thị Thúy Hằng có yêu cầu phía công ty rút DSF và chấm dứt làm việc tại phía công ty.
Theo đó, phía KBSV xác nhận bà Ngô Thị Thúy Hằng hiện không còn là DSF của công ty. Bên cạnh đó, KBSV cũng xác nhận đã cấp hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán (margin) cho 2 mã là ADS và BNA với tỷ lệ 30%.
Theo tìm hiểu của phóng viên, KBSV được thành lập năm 2008 và trở thành thành viên của Tập đoàn tại Hàn Quốc từ ngày 9/10/2017. Doanh nghiệp này chính thức đổi tên từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Maritime sang Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam từ ngày 17/1/2018.
Trước khi vướng lùm xùm vụ “Chứng khoán Ngô Nam”, KBSV từng bị xử phạt hàng loạt vi phạm về chứng khoán và thuế.
Cụ thể, tháng 5/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính KBSV số tiền 125 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính là cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.
Sau đó, vào tháng 7/2020, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 181/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính KBSV số tiền 70 triệu đồng do không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.
Theo đó, KBSV đã không lưu giữ đầy đủ bằng chứng chứng minh việc đặt lệnh giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã CK: FTM) trong giai đoạn từ ngày 2/1/2019 đến ngày 30/8/2019 của 2 tài khoản.
Đối với lĩnh vực thuế, tháng 12/2019, KBSV đã bị Cục Thuế TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng vì kê khai doanh thu chưa đúng quy định về thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, công ty còn hạch toán chi phí trích lập nợ khó đòi chưa đúng quy định, hạch toán chi phí lãi vay chưa đúng quy định.