Lượng khách du lịch đến Đông Nam Á tăng mạnh
Du khách quốc tế tại Malaysia (Ảnh: AFP) |
Công ty phân tích dữ liệu chuyến bay Cirium cho biết số lượng các chuyến bay đang dần trở lại mức năm 2019 tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Singapore, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến phổ biến nhất trong năm nay.
Hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã ngừng yêu cầu khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ làm xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du lịch là ngành tạo doanh thu chính cho Đông Nam Á. Khu vực này có lượng khách quốc tế tăng hơn gấp đôi từ 63 triệu năm 2009 lên 139 triệu vào năm 2019.
Theo một báo cáo tháng 5/2022 do Ngân hàng Phát triển Châu Á công bố, ngành du lịch chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội ở Việt Nam, Singapore và Malaysia và từ 20 đến 25% ở Thái Lan, Campuchia và Philippines.
Bà Nancy Shukri, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia cho biết nước này đón khoảng 1 triệu du khách quốc tế, theo đó đạt 50% của mục tiêu 2 triệu lượt khách trong chiến dịch “Malaysia Truly Asia 2022”. Trước đại dịch COVID-19, Malaysia đã ghi nhận 26,1 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019.
Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong lượng khách quốc tế đến Malaysia 2 tháng vừa qua là du khách từ Singapore, với khoảng 600.000 lượt. Bà Nancy Shukri cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng gia tăng lượng khách từ Nhật Bản và Ấn Độ.
Đảo quốc sư tử là quốc gia có nhiều người đặt chuyến bay đến nhất trong khu vực trong năm nay, lượng đặt chỗ trong tháng 1 đã tăng từ mức khoảng 30% (so với mức năm 2019) lên 48% vào giữa tháng 6. Theo Cirium, Philippines cũng có lượng đặt vé máy bay tăng mạnh, từ khoảng 20% vào đầu tháng 1 lên gần 40% vào giữa tháng 6.
Ông Stanley Foo, người sáng lập công ty lữ hành địa phương Oriental Travel & Tours cho biết sau khi Singapore bỏ yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh hồi tháng 4, hoạt động kinh doanh của công ty đã bắt đầu hồi sinh nhanh chóng. Ông cho biết du khách đang đặt các chuyến đi dài hơn và chi tiêu nhiều hơn trước.
Trước đại dịch COVID-19, công ty nhận được khoảng 20 lượt đặt chuyến du lịch mỗi tuần, chủ yếu là các chuyến kéo dài từ ba đến bốn ngày. Giờ đây, công ty đang xử lý 25 lượt đặt chuyến du lịch mỗi tuần, một số đặt các chuyến đi dài tới 10 ngày. Chi tiêu trung bình cho các chuyến du lịch đã tăng từ khoảng 2.000 USD/người trước đại dịch lên 4.000-6.000 USD hiện nay.
Khách quốc tế xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan (Ảnh: Bangkok Post) |
Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2022, Thái Lan đón khoảng 1,1 triệu lượt khách quốc tế tức là trung bình 200.000 - 300.000 lượt khách/tháng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, Yuthasak Supasorn cho biết, mục tiêu trong năm nay của ngành du lịch nước này là đón từ 7 - 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Mục tiêu đó sẽ tăng gấp đôi, lên 20 triệu lượt, tương đương 50% của năm 2019, vào năm 2023, với phần lớn đến từ phân khúc giá trị cao.
Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ Baht cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2019, chiếm 18% GDP của cả nước, trong đó 2.000 tỷ Baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ Baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP). Chính phủ Thái Lan muốn nâng mức đóng góp của ngành du lịch cho GDP lên mức 30% vào năm 2030.
Theo số liệu thống kê cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 đạt 172.000 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.000 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Thống kê cũng cho thấy, Hàn Quốc và Mỹ là hai thị trường có lượng khách đến nhiều nhất.
Ngành Du lịch Việt Nam gần đây cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam liên tục được vinh danh gần đây, bởi các tạp chí và chuyên trang du lịch uy tín.