Mái ấm tình thương của những người khuyết tật
Ngôi nhà chung của những người khuyết tật
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ngay từ khi còn nhỏ, chị Đinh Thị Quỳnh Nga không may gặp phải tai nạn bất ngờ khiến cho chân trái của chị bị liệt. Dù vậy, chưa lúc nào chị ngừng nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống và trở thành người truyền động lực cho những người đồng cảnh.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Quỳnh Nga cho biết: Mặc dù sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, song ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn khao khát được học, bởi chỉ có chăm chỉ học tập mới là con đường giúp tôi vượt qua hết mọi khó khăn trong cuộc sống.
Người lao động làm việc tại Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng |
“Sau khi tốt nghiệp Ngành Sư phạm mỹ thuật (trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), tôi đã đi xin việc khắp nơi. Tại nhiều nơi, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu khi biết sự đi lại khó khăn do khuyết tật. Không xin được việc, tôi tạm chuyển sang nghề trang trí hoa đám cưới”, chị Quỳnh Nga chia sẻ.
Đến năm 2007, chị trúng tuyển kỳ thi công chức và trở thành giáo viên mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong đời để chị được sống và làm việc đúng với ngành nghề.
Sau 2 năm làm việc ở Trường, đầu năm 2009, chị Đinh Thị Quỳnh Nga quyết định thành lập nhóm "Trái tim hồng" để tập hợp các bạn khuyết tật đã ra trường trên địa bàn làm công việc in, hoa khô, tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là điều khó khăn nhất với chị. Khó khăn cứ ập đến, chị thất bại hết lần này đến lần khác.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng |
"Qua công việc dạy học ở trường khuyết tật. Tôi rất xót xa khi chứng kiến các học sinh khi ra trường hầu hết không có công ăn, việc làm để có thể tự chủ cuộc sống. Từ đó, tôi nảy sinh ý định phải làm gì đó để các em tìm được công việc sau này”, chị Quỳnh Nga tâm sự.
Ngay khi mới thành lập các thành viên trong hợp tác xã đã xác định mục tiêu là “Hỗ trợ những người khuyết tật bằng cách tư vấn, huấn luyện, tạo việc làm và tổ chức các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội…”.
Hiện hợp tác xã tạo việc làm cho 38 lao động thường xuyên; 20 lao động thời vụ |
Để thực hiện được mục tiêu của hợp tác xã, chị Quỳnh Nga đã giành toàn bộ nhà cửa đất đai làm cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, nhà xưởng để sản xuất. Dựa vào điều kiện, sức khỏe, khả năng lao động của từng người, chị Nga đã phân công công việc phù hợp.
Những năm đầu thành lập, hợp tác xã đã tổ chức sản xuất hạt gỗ và đan sâu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ như chiếu nằm, khoác ghế ô tô, đệm lót ghế văn phòng, gối mỹ nghệ và các loại vòng đeo tay, đeo cổ.
Tuy giá thành sản phẩm không cao, lợi nhuận thấp, nhưng bù lại hợp tác xã đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người khuyết tật. Hiện hợp tác xã có bộ sản phẩm hạt gỗ (gồm 8 sản phẩm) đạt tiêu chuẩn “OCOP 4 sao” năm 2020; Được UBND thành Phố công nhận danh hiệu “Bộ sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021”.
Hiện 87% người lao động của hợp tác xã là người khuyết tật |
“Từ những kinh nghiệm ban đầu trong sản xuất, chúng tôi đã liên kết với Công ty bao giấy Vinh Hoa, nhận làm gia công các loại bao giấy. Trong sản xuất bao giấy cũng có nhiều công đoạn, chúng tôi đã bố chí người lao động vào các khâu sao cho phù hợp với sức khỏe, khả năng và các dạng tật. Những thời gian cao điểm chúng tôi đã tạo việc làm cho hơn 50 người khuyết tật.
Đặc biệt, cuối năm 2019, chúng tôi đã được tổ chức AAV thuộc Actionaid Việt Nam tài trợ 15 máy khâu công nghiệp, đã gúp hợp tác xã mở thêm ngành may công nghiệp, tạo việc làm cho 18 lao động. Đồng thời, tài trợ các trang thiết bị, dụng cụ tổ chức điểm dịch vụ cà phê, giải khát tạo việc làm cho 2 lao động làm nghề kinh doanh”, chị Quỳnh Nga chia sẻ.
Để người lao động khuyết tật yên tâm lao động cống hiến
Để người khuyết tật có việc làm phù hợp, chị Quỳnh Nga đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, bệnh lý của từng người để phân công đúng người, đúng việc, phù hợp với từng dạng tật. Đặc biệt, chị cũng luôn quán triệt, trong công việc, mọi người phải giúp đỡ lẫn nhau.
Đơn cử như lao động khuyết tật chân chỉ ngồi một chỗ làm một công đoạn trong dây truyền sản xuất, người lao động không khuyết tật vận động sẽ thực hiện các khâu vận chuyển sản phẩm đi và đến cho người khuyết tật chân tại các khâu sản xuất trong dây truyền sản xuất. Cùng với đó phải bố trí lao động không khuyết tật tham gia quản lý, điều hành và hỗ trợ hợp tác xã.
Đến nay Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã phát triển được 6 ngành hàng |
Bằng cách làm như vậy, đến nay Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã phát triển được 6 ngành hàng. Trong đó có ngành hàng thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ, trồng nấm, may công nghiệp, sản xuất than sạch BBQ và 2 ngành dịch vụ photocopy và cà phê giải khát.
Hiện hợp tác xã tạo việc làm cho 38 lao động thường xuyên; 20 lao động thời vụ, 87% là người khuyết tật. Hợp tác xã hỗ trợ ăn trưa cho toàn bộ công nhân và chỗ nghỉ sinh hoạt cho các lao động là người khuyết tật ở các tỉnh xa.
Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại hợp tác xã khoảng 3.000.000 đồng/người /tháng. Đặc biệt, hợp tác xã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội công nhận là “Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 87% lao động là người khuyết tật”.
Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại hợp tác xã khoảng 3.000.000 đồng/người /tháng |
Làm việc tại hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã 3 năm, chị Trịnh Thị Đông, quê ở Lạng Sơn, cho biết: "Tôi biết đến hợp tác xã qua mạng xã hội, rồi tìm đến xin học nghề. Ở đây, tôi cảm thấy mọi người như những người thân trong gia đình.
Tôi đã tìm được sự đồng cảm, sẻ chia từ mọi người. Được làm việc, giao lưu kết bạn và có thu nhập gửi về quê lo cho con nhỏ học hành, tôi cảm thấy mình có ích hơn đối với gia đình và xã hội. Tôi luôn tự hứa sẽ cố gắng để trưởng thành hơn mỗi ngày”.
Có thể thấy rằng, tình yêu thương của xã hội chính là nền tảng to lớn nhất giúp người khuyết tật vươn lên khẳng định bản thân. Mọi người đến với hợp tác xã đều được khuyến khích phát huy nghị lực sống, khát khao được làm việc và cống hiến.
Hiện hợp tác xã có bộ sản phẩm hạt gỗ (gồm 8 sản phẩm) đạt tiêu chuẩn “OCOP 4 sao” năm 2020 |
“Với tôi, tình yêu thương là ngọn nguồn để làm nên sức mạnh cho mình, để tôi có được như hôm nay và tiếp tục đồng hành cùng những số phận kém may mắn khác. Sự ra đời của nhóm Trái tim hồng, sau này là Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, chính là quyết định vô cùng đúng đắn để tôi thực hiện ước mơ được sẻ chia và truyền cảm hứng sống ý nghĩa với người khuyết tật.”
Với những nghĩa cử cao đẹp, chị Đinh Thị Quỳnh Nga đã vinh dự là một trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.