Mở rộng, tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động khuyết tật
Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận việc làm
Sáng nay (30/8), Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Quyền làm việc của người khuyết tật - Từ chính sách đến thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ: Chính sách chăm lo, trợ giúp cho người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật, Chính phủ ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật. Nhờ vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế của người khuyết tật được nâng cao.
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu khai mạc hội thảo |
Hiện cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động là người khuyết tật.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mặc dù có những thành tựu quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội. Vì vậy chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật.
Vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Trong số 6,4 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 109.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật và người khuyết tật còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình.
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật - Từ chính sách đến thực tiễn” |
Hiện nay, có một thực tế, lao động là người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức. Thậm chí nhiều người không biết khả năng hay sở thích của mình là gì.
Không chỉ vậy, vấn đề người khuyết tật đang gặp phải đó chính là tâm lý của họ, của người thân trong gia đình bao bọc nhiều quá hoặc buông xuôi. Người khuyết tật gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm còn bởi không có nguồn tiếp tận cơ hội, như không có điện thoại thông minh để vào mạng, không biết sử dụng mạng xã hội.
Do đó, thời gian qua, Nhà nước đã khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhưng các công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế. Trong khi đó, doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc đồng nghĩa với phải thay đổi cơ sở hạ tầng để người khuyết tật tiếp cận được...
Ông Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ: “Dạy nghề cho người khuyết tật không đơn giản là từ 3 đến 6 tháng, mà có khi phải lên tới 5 năm. Chúng tôi phải mời chuyên gia hỗ trợ dạy nghề, kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường hòa nhập giữa những người khuyết tật, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phù hợp sức khỏe, trình độ, văn hóa, nhu cầu của thị trường.
Các khách mời tham dự buổi tọa đàm |
Tuy nhiên, để giải quyết được nhiều việc làm cho người khuyết tật, rất cần tạo điều kiện cho chính người khuyết tật được khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển; Có chính sách hỗ trợ phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp của người khuyết tật được hỗ trợ về thuế, chậm nộp bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt hơn, tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội diện tín chấp dễ dàng hơn, quan tâm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật…".
Tăng cường kết nối, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật
Khảo sát nhanh của Hội Người khuyết tật Hà Nội cũng cho thấy, người khuyết tật hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp lớn có hợp đồng, liên kết với tổ chức Hội Người khuyết tật Hà Nội bảo vệ quyền lợi thì 100% các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, chăm lo chế độ đầy đủ. Còn những thanh niên khuyết tật làm việc tự do hay các công ty nhỏ và không có sự kết nối từ Hội thì quyền lợi khó được đảm bảo.
“Đây là vấn đề cần sự chung tay của không chỉ tổ chức Hội Người khuyết tật Hà Nội mà cả các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp hiểu đúng và thực hiện tốt các văn bản Nhà nước hiện hành”, Phó Trưởng ban Thanh niên, Hội Người khuyết tật Hà Nội Nguyễn Xuân Khánh cho hay.
Nâng cao năng lực cho người khuyết tật là rất cần thiết, chính vì thế, thời gian qua, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức tập huấn về lập kế hoạch cá nhân, làm hồ sơ xin việc; Trang bị những kỹ năng cần thiết về cuộc sống, giao tiếp, thể hiện bản thân…
Ông Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art |
Cùng với đó, Hà Nội đã đẩy mạnh trở lại các chương trình kết nối và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người khuyết tật trong đó ưu tiên thanh niên khuyết tật độ tuổi 18 - 35. Thông qua những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức tài trợ nước ngoài.
Đặc biệt, 3 năm qua, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã thực hiện các dự án với Tổ chức RI & AF kết nối tạo việc làm cho trên 600 người khuyết tật vào làm việc tại các công ty, hợp tác xã, trung tâm đào tạo dạy nghề do người khuyết tật khởi nghiệp và điều hành quản lý.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Thời gian qua, Trung tâm đã và đang phối hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) cho những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể.
Kể từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã triển khai rất nhiều hoạt động phối kết hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội và 30 hội quận, huyện, thị xã để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn những vị trí việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động.
Chúng tôi cũng tổ chức các phiên GDVL hàng năm với tần suất 2 phiên/năm lên 4 phiên/năm để giúp lao động người khuyết tật tìm được việc làm có thu nhập, tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng".
Ban Tổ chức chụp ảnh cùng các khách mời tham dự buổi tọa đàm |
Để giải quyết việc làm cho lao động là người khuyết tật, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ người khuyết tật học nghề; Hỗ trợ người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc cũng như hỗ trợ người khuyết tật có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh; Đồng thời, phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề hỗ trợ người khuyết tật và tiếp tục tổ chức các phiên GDVL hướng đến người khuyết tật.
Tại buổi tọa đàm, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, còn nhiều khoảng trống về chính sách đối với người lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp do người khuyết tật thành lập, doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật.
Thời gian tới, Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tăng cường rà soát các chính sách để có thể hỗ trợ lao động là người khuyết tật ngày càng tốt hơn, đơn cử như chính sách ưu đãi về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người khuyết tật, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với người khuyết tật, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho người khuyết tật...".