Metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành
Đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại học Quốc gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
Trong 3 tháng đầu vận hành, giờ mở tuyến từ 5h30, đóng tuyến lúc 22h; giãn cách chạy tàu 10 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên mở tuyến bắt đầu từ 8h. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.
Người dân mua vé tại máy bán vé tự động |
Về giá vé, vé lượt (vé chặng) đi một ga 8.000 đồng và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày 24.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng hạng phổ thông là 200.000 đồng/tháng; vé tháng ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Vé tập thể là 140.000 đồng/tháng.
Tuyến thực hiện chính sách vé miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND thành phố Hà Nội (miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật).
Đặc biệt, trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội (MRB) cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng hoàn toàn với năng lực vận tải trung bình theo phân cấp kỹ thuật đường sắt Việt Nam.
Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội |
"Dự án cũng góp phần phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra cho khu vực trung tâm Hà Nội.
Việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Sơn cho biết.
Về kết nối giao thông tĩnh và tổ chức giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, giai đoạn đầu Sở đã phối hợp với UBND các quận dọc tuyến (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình) rà soát, bố trí điểm, bãi đỗ xe, tổ chức giao thông trên tuyến và khu vực các nhà ga.
Giai đoạn tiếp theo sau khi vận hành tuyến trên cơ sở tình hình giao thông thực tế, Sở Giao thông vận tải cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận để điều chỉnh cho phù hợp.
Người dân phấn khởi trong ngày đầu vận hành thương mại đoạn Nhổn - ga Hà Nội |
Ông Phan Đức Huấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là cán bộ về hưu cho biết, từ sáng sớm nay, ông dậy từ 5 giờ sáng trong tâm trạng rất phấn khởi để có thể đi chuyến tàu điện sau nhiều năm chờ đợi.
"Nhớ những ngày đầu khởi công, lúc đó tôi thường xuyên phải vào khu vực trong phố cổ Hà Nội làm việc nên rất mong ngóng để đi làm thay thế xe cá nhân nhưng phải đến nay mới được di chuyển. Tôi mong khi tuyến vận hành có thể giúp nhiều cháu sinh viên, học sinh không phải ở trọ, được đi lại thuận tiện, nhanh chóng", ông Huấn cho biết.
Theo TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, từ 4 giờ sáng nay, Công ty đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên đón khách. Đến hôm nay, nhân viên nhà ga đều thuần thục và có thể phục vụ tốt nhu cầu của hành khách.
"Ngày hôm nay vẫn là ngày làm việc nên lượng hành khách đi lại qua tuyến từ sáng tới thời điểm hơn 8h20 chưa quá tải. Dự kiến những ngày cuối tuần sẽ thu hút, đón lượng khách đi lại trải nghiệm đông hơn", ông Trường cho biết.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành |
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành, khi khai thác sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội hoàn thiện.
Theo đó, dọc trục tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có 36 tuyến buýt đang hoạt động. Trong đó, có 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá; 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn; 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng, chiều Nhổn - Cầu Giấy có 16 điểm dừng).
Trước đó sáng 6/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã kiểm tra dự án metro Nhồn - ga Hà Nội trước thời điểm dự án này vận hành thương mại.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết việc dự án trên được chấp thuận nghiệm thu có điều kiện là niềm mong chờ của người dân Hà Nội; Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cần đưa vào vận hành ngày 8/8 thay vì ngày 9/8 như phương án đưa ra trước đó.