Microsoft chia sẻ phương thức chống các thủ thuật lừa đảo trực tuyến
(TTTĐ) - Với vai trò là nhà tài trợ vàng và đối tác tư vấn giải pháp CNTT, công ty Microsoft Việt Nam đã chia sẻ phương thức chống các thủ thuật lừa đảo trực tuyến trong "Ngày An toàn thông tin Việt Nam” năm 2014 vừa khai mạc hôm nay (19/11) tại TP HCM.
Sự kiện do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh và Chi hội An toàn thông tin Việt Nam phía Nam (VNISA phía Nam) tổ chức. Đây là năm thứ 7, sự kiện truyền thống thường niên của giới CNTT – TT được tổ chức theo sáng kiến của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA).
Hội thảo "An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia” Tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam.
"Ngày An toàn thông tin Việt Nam" năm nay gồm một chuỗi các hoạt động về an toàn thông tin (ATTT) bắt đầu bằng cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin” lần thứ 7 dành cho sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc do VNISA phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Với sự tham gia của 15 trường - viện, cuộc thi được phát động kể từ ngày 8/11/2014 tại trường Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP HCM.
Hoạt động nổi bật nhất của Ngày ATTT là Hội thảo – Triển lãm quốc tế về An toàn thông tin với chủ đề “An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia” tổ chức vào ngày 19/11/2014. Chủ đề hội thảo nhấn mạnh đến thể hiện sự gắn kết giữa Nhà nước – Xã hội – Doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác An toàn thông tin, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bảo mật tiên tiến nhất. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hơn 500 khách tham dự, là lãnh đạo Bộ TTTT, lãnh đạo VNISA, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; các chuyên gia ATTT và CNTT, các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ; các cơ quan truyền thông báo đài.
Khởi động bằng báo cáo thực trạng ATTT khu vực phía Nam do Chi Hội ATTT phía Nam trình bày, cùng nhiều tham luận quan trọng về vấn đề ATTT của các tổ chức và các Hãng công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt là Microsoft, hội thảo “Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2014” đã rất thành công khi giới thiệu được với khách mời các sản phẩm ATTT mới nhất, định hướng chiến lược về ATTT, các vấn đề về xây dựng nguồn nhân lực và chuẩn hóa quốc tế trong ATTT...
Với bề dày và kinh nghiệm chuyên sâu về giải pháp và ứng dụng CNTT, đặc biệt là trong xây dựng các giải pháp An toàn thông tin và An ninh mạng, Microsoft được mời thuyết trình trong Tọa đàm chuyên sâu mang tên: “Vượt ngoài tầm nhìn về tiêu chuẩn bảo mật: Bảo mật hiệu quả!”. Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc khối Phát triển Ứng dụng, Microsoft Việt Nam, đã thuyết trình, đưa ra phân tích chuyên sâu và chia sẻ về tình hình An ninh mạng của thế giới và Việt Nam, đồng thời giới thiệu về Báo cáo Điều tra An ninh mạng" (Security Intelligence Report volume 17). Báo cáo SIRv17 là báo cáo phân tích, lấy dữ liệu trên hơn 1 tỷ máy tính toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Sáu, 2014 kèm các phân tích và nhận định sâu xa của các chuyên gia về xu hướng An ninh mạng.
Bài thuyết trình của Microsoft cũng đưa ra những tóm tắt về trạng thái an ninh, nguy cơ mà người dân và các tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam có thể phải đối mặt. Từ những luận điểm này, Microsoft chia sẻ về những ưu điểm, những điểm khiếm khuyết của các tiêu chuẩn bảo mật hiện thời. Hơn thế, phần tham luận của Microsoft còn đưa ra các mô hình được các tổ chức quốc tế quan tâm đi kèm các cân nhắc để các doanh nghiệp có thể tiến xa hơn trong việc gây dựng các quy chuẩn về an ninh và bảo mật trong doanh nghiệp.
Trong phát biểu mới nhất của mình khi chia sẻ báo cáo An toàn An Ninh mạng SIR phiên bản 17, ông Tim Rains, Giám đốc khối Chiến lược Đám mây và An Ninh mạng, tập đoàn Microsoft nhấn mạnh: "Những hệ thống chạy các phần mềm bảo mật không cập nhật sẽ có nguy cơ nhiễm mã độc nhiều hơn 4 lần so với các hệ thống luôn cập nhật phần mềm an ninh bảo mật”.
Theo các dữ liệu từ báo cáo SIRv17 thì những phát kiến về an ninh trên các hệ điều hành mới đã có tác dụng rất tốt trong việc chống lại các hiểm họa từ tội phạm mạng. Những hệ điều hành hiện đại như Windows 8, đặc biệt là Windows 8.1 đang gắn liền với các công nghệ bảo mật tiên tiến, được thiết kế đặc biệt với tầm bảo mật cao hơn, khó phá hơn, phức tạp hơn, mất thời gian và tài nguyên hơn và do đó kém hấp dẫn hơn với tội phạm mạng. Và nếu người dùng hoặc các tổ chức đang sử dụng Windows 8 hoặc Windows 8.1, sẽ có cơ hội được sử dụng miễn phí phần mềm chống virus Microsoft Security Essentials hay Windows Defender. Hệ thống phần mềm Windows Defender sẽ tự động chạy và tự động cập nhật các cải tiến mới nhất trong bảo mật, cung cấp hỗ trợ liên tục và có thể tùy biến tốt hơn để bảo vệ khách hàng, ngoại trừ khách hàng tự cài sẵn các phần mềm bảo mật thử nghiệm của nhà cung cấp khác.
Cũng trong phần thuyết trình, Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Microsoft đã chia sẻ những cách làm tối ưu và các điểm nhấn chủ chốt để có thể đưa ra các giải pháp an ninh tận dụng được hết lợi thế của các giải pháp CNTT mà vẫn luôn đảm bảo an toàn khi triển khai và vận hành CNTT trong các hoạt động Doanh nghiệp: Sử dụng phiên bản cập nhật nhất cho mọi phần mềm; Sử dụng các phần mềm diệt virus từ nguồn tin cậy; Đầu tư vào các sản phẩm mới nhất để có chất lượng bảo vệ tốt hơn, đặc biệt là hệ điều hành.
Nam Phương