Mở lối đưa nông sản Việt vào thị trường “cửa ngõ” châu Âu
Tiềm năng xuất khẩu nông sản
Vượt qua khó khăn về biến động của kinh tế thế giới, dịch bệnh toàn cầu, biến đổi khí hậu, và chuyển đổi xu thế tiêu dùng, nông nghiệp Việt Nam luôn được xem là “trụ đỡ” cho nền kinh tế.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.
Năng lực sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 140 triệu tấn mỗi năm, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về xuất khẩu nông sản |
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 đạt trên 36,3 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 7 mặt hàng đã đạt giá trị xuất khẩu cao hơn 2 tỷ USD như Cà phê, gạo, tôm, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su.
Khu vực Bắc Âu (nhất là Hà Lan, thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam tại EU, sau Đức) mặc dù dân không lớn nhưng kim ngạch nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng với sự có mặt của nhiều tập đoàn phân phối nông sản thực phẩm lớn. Đây là cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản từ Việt Nam xuất khẩu vào các nước Bắc Âu và EU như gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây, thuỷ sản, hạt điều...
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU nói chung và Bắc Âu nói riêng. Tuy nhiên, thị phần của nông sản Việt Nam tại thị trường Bắc Âu và EU còn rất thấp (khoảng 4% của thị trường EU trên 160 tỷ USD/năm), do nhiều khó khăn, nhất là quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (để được hưởng ưu đãi về thuế), thiếu các thương hiệu lớn và chưa có sự am hiểu về thị trường EU.
Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới |
TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kỹ thuật Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho hay: Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp trong đó có thủy sản đã đi bước dài trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường, song đó là câu chuyện của doanh nghiệp lớn. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội như Hiệp hội thực phẩm minh bạch đóng vai trò như một cầu nối chia sẻ, cung cấp thông tin từ tìm hiểu thị trường, phân tích thị trường.
Bà Dung cũng cho biết, các hiệp hội với đội ngũ các chuyên viên giỏi đóng vai trò như cánh tay nối dài của nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp về kinh nghiệm, kỹ năng để thực hiện các mục tiêu đặt ra. “Thương vụ các nước, Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ rất nhiều song làm thế nào để kết nối đúng mục tiêu, thị trường, cần tư vấn để đi con đường ngắn, tiết kiệm nhất thì cần đi với nhau thông qua các hiệp hội”, bà Dung cho biết.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam
Ông Albert Lui, Tổng Thư ký Hiệp hội nhà mua Quốc tế (IFPPS) dự báo: Trong 5 năm tới, nhu cầu thực phẩm tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng khoảng 35%. Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng mạnh, song nguyên liệu thô nhập khẩu phải qua tay nhiều trung gian nên giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng Trung Quốc khá cao.
“Chúng ta cần làm thế nào để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến tận tay người sử dụng cuối cùng, như vậy có thể cắt giảm tối đa khâu trung gian”, ông Lui cho biết.
Ông Albert Lui, Tổng thư ký Hiệp hội nhà mua Quốc tế (IFPPS) |
Từ kinh nghiệm bản thân, ông Lui cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc thường có thói quen mua hàng theo thương hiệu. Ví dự như câu chuyện sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc, người tiêu dùng đã quen với thương hiệu Monthong của Thái Lan hay riêng Musang King của Malaysia, nhưng với Việt Nam, sầu riêng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần đồng bộ tiêu chuẩn chung để người dân Trung Quốc hiểu được chất lượng nông sản của Việt Nam. Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng các cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, Bộ NN-PTNT.
“Cách thức tốt nhất để đẩy mạnh kênh xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc là thiết lập các trung tâm xúc tiến thương mại nông sản, từ đó một số vấn đề về khâu tiếp cận thị trường... có thể giải quyết được nhanh”, Tổng Thư ký IFPPS gợi ý.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp |
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cho biết: Nông nghiệp Việt Nam luôn được xem là một trụ đỡ của nền kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm đạt hơn 36 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD như cà phê, tôm, gạo, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su.
Khu vực Bắc Âu và Hà Lan mặc dù dân số không lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này rất ấn tượng, nhất là với các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây, hạt điều. Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Trong kế hoạch công tác của Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan của Bộ tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt |
Thông qua các tham luận, trao đổi trực tiếp của đại biểu, Diễn đàn sẽ góp phần tăng cường quảng bá nông sản Việt Nam đến các bạn bè quốc tế; Chia sẻ thông tin thị trường và kinh nghiệm xuất khẩu nông sản sang thị trường Châu Âu; Thúc đẩy tiêu thụ nông sản sang thị trường các nước khu vực Bắc Âu; Tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu về tiềm năng và năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như xuất khẩu đối với các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài.