Mốc son của lịch sử ngoại giao Việt Nam
Hội thảo khoa học về Hội nghị quân sự Trung Giã Hiện thực hóa khát vọng hòa bình Phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào để xây dựng Thủ đô |
“Chất xúc tác” cho thành công của Hội nghị Giơnevơ
Vào những ngày này cách đây 70 năm, Hội nghị quân sự Trung Giã đã được tổ chức tại huyện Sóc Sơn. Đây là cuộc tiếp xúc chính thức giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương.
Trong 23 ngày diễn ra Hội nghị, hai bên đã đàm phán tìm giải pháp giải quyết vấn đề thực tiễn của chiến trường, cung cấp cơ sở cho Hội nghị Giơnevơ bàn và thực hiện các giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị Giơnevơ đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, còn Hội nghị quân sự Trung Giã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến quân sự.
Đặc biệt là đã chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày giờ như Hiệp định Giơnevơ đã quy định và tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Liên hợp Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam |
“Với kết quả đó, Đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó “phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược”, góp phần vào thành công của Hiệp định Giơnevơ 1954 và góp một trang đẹp vào pho sử vàng, vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật nhấn mạnh.
Trung tá, ThS Tạ Thị Nghĩa Thục, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị cho rằng: “Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Kết quả đạt được từ Hiệp định này là sự hội tụ sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, quá trình chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho Hội nghị quân sự Trung Giã là điều kiện - "chất xúc tác" để Hội nghị Giơnevơ thành công”.
ThS Tạ Thị Nghĩa Thục, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị |
Đặc biệt, bốn mục tiêu về: Thủ tục và biện pháp ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường; trao trả tù binh; chuyển quân tập kết; thống nhất việc tổ chức Ủy ban liên hợp ở Trung ương và các địa phương đã được thỏa thuận tại Hội nghị; hai phái đoàn thông qua thông cáo chung.
“Mặc dù không giải quyết được các nội dung như dự kiến, nhưng Hội nghị quân sự Trung Giã đã thể hiện hai bên muốn đàm phán đi tới hòa bình, tạo điều kiện cho việc triển khai và thi hành Hiệp định Giơnevơ được nhanh chóng, kịp thời.
Thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã không chỉ là sự chuẩn bị đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho thành công của Hội nghị Giơnevơ, mà còn đặt nền móng, mở ra quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Pháp”, Trung tá, ThS Tạ Thị Nghĩa Thục nhận định.
“Lấy dân làm gốc” - bài học kinh nghiệm quý báu
Theo chia sẻ của đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, trước khi Hội nghị Trung Giã khai mạc, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã diễn ra cuộc gặp gỡ tại xã Ninh Liệt nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho Hội nghị. Cuộc gặp gỡ này, đại diện hai bên đã bàn về vấn đề tên gọi, thời gian, địa điểm và xã Trung Giã được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị.
Kết quả, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Hội nghị đến đông đảo Nhân dân toàn huyện, tạo ra bầu không khí vui mừng, phấn khởi hân hoan chào đón hòa bình, độc lập của đất nước. Nhân dân trong huyện đã đem hết nhân lực và vật lực phục vụ Hội nghị, bảo vệ an toàn cho cuộc đàm phán thành công.
Sau này, nhằm tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp trong lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân huyện Sóc Sơn đã lãnh đạo Nhân dân đoàn kết một lòng tạo thành sức mạnh hùng hậu sát cánh cùng lực lượng phòng không, không quân đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; bảo vệ các mục tiêu, quân sự quan trọng, bảo vệ sản xuất, giữ vững mạch máu giao thông, đỉnh cao là 12 ngày đêm lịch sử tháng 12 năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế, toàn huyện đã có 19.957 người trực tiếp tham gia nhập ngũ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Bày tỏ niềm tự hào về vùng đất đã diễn ra Hội nghị quan trọng, đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho hay: “Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, Đảng bộ và Nhân dân Sóc Sơn ngày nay luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy những thành tựu đạt được, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn |
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn bày tỏ, “Dân là gốc”, tin ở dân và chăm lo cho Nhân dân là bài học lớn rút ra từ chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam nói chung và quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương Sóc Sơn nói riêng”.
Chính từ những chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, các nhiệm vụ và khâu đột phá “trúng ý Đảng, hợp lòng dân”, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Thành ủy Hà Nội, Đảng bộ huyện Sóc Sơn tiếp tục “Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu xây dựng huyện Sóc Sơn thành vùng phát triển, đô thị phía Bắc của Thủ đô Hà Nội”.
“70 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn lịch sử, niềm tự hào, vinh dự của Nhân dân huyện Sóc Sơn được góp phần tham gia tổ chức Hội nghị quân sự Trung Giã vẫn còn mãi. Khắc ghi dấu ấn lịch sử đó, Đảng bộ và Nhân dân Sóc Sơn ngày nay, luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy những thành tựu đạt được, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giầu đẹp, văn minh, xứng đáng là mảnh đất của những sự kiện oai hùng”, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn nói.
Bàn về những giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Hội nghị Trung Giã, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “70 năm đã qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và những bài học của Hội nghị Trung Giã vẫn còn vang vọng, là động lực, xây dựng, phát triển Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn… phát triển nhanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cũng theo đồng chí, Hội nghị Trung Giã còn giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.