Một giáo viên mầm non phải nuôi dạy 30 trẻ, lương dưới 5 triệu đồng
Giáo viên vùng sâu vùng xa và những khó khăn hiện hữu
Là cô giáo công tác tại trường mầm non thuộc xã biên giới của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cô giáo Lê Thị Tuyết Hường (trường Mầm non xã Thanh Nưa) bày tỏ niềm vui mừng khi được tham dự chương trình.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị |
Là một giáo viên đã có nhiều năm gắn bó với giáo dục mầm non, trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, cô Hường nhận thấy những thay đổi cũng như chứng kiến sự phát triển vượt bậc của giáo dục mầm non trong những năm qua, tuy nhiên, vẫn còn những điều mà giáo viên mầm non thấy băn khoăn, trăn trở và mong muốn được Bộ trưởng quan tâm, tháo gỡ.
Về chế độ, chính sách với giáo viên mầm non, theo cô Hường, quy định thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày nhưng trên thực tế giáo viên mầm non thường làm việc ở trường từ 10 - 11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn. Vì vậy, các cô không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Do thiếu giáo viên nên có những lớp, một cô giáo đang phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ.
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường phát biểu tâm tư, nguyện vọng từ điểm cầu huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên |
Về thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, đại diện tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay tỉnh đang thiếu giáo viên; thiếu nguồn tuyển giáo viên ở một số môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Các điều kiện về Cơ sở vật chất, hệ thống phòng học bộ môn và trang thiết bị kèm theo chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện chương trình GDPT năm 2018 trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học còn hạn hẹp. Việc in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương chưa thực hiện được do còn nhiều vướng mắc về thủ tục. |
“Không thể kể hết những nhọc nhằn của giáo viên mầm non ra đây nhưng tin chắc rằng, nếu ai đó chỉ cần có một ngày trải nghiệm làm giáo viên mầm non tại vùng sâu, vùng xa thì chắc chắn sẽ có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những vất vả.
Điều kiện sinh hoạt và làm việc của giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các điểm trường lẻ vùng khó như: Thiếu nhà công vụ, thiếu nước sạch, chưa có điện trong khi giáo viên phải ăn ở, ngủ nghỉ tại điểm trường cả tuần, thậm chí là cả tháng.
Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ còn thiếu thốn nên giáo viên phải thường xuyên tự làm cũng như huy động cha mẹ của trẻ cùng làm”, cô Hường tâm sự.
Công việc vất vả là vậy nhưng theo chia sẻ của cô Hường, chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp (như đối với giáo viên mới ra trường chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng), chưa tương xứng với thời gian và công sức, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Là địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, khoảng cách từ trung tâm đến điểm trường lẻ thường rất xa, có những nơi lên đến gần 50km, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng giáo viên dạy ở điểm các trường lẻ chưa có chế độ hỗ trợ đi lại khi về trung tâm trường để tham gia các cuộc họp và sinh hoạt chuyên môn hàng tháng.
Cùng với đề xuất liên quan đến chế độ tiền lương, cô Hường mong muốn Bộ xem xét đề xuất Chính phủ quy định lại tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. “Vì đặc thù tính chất công việc của giáo viên mầm non khá nặng nhọc nên chúng tôi thấy độ tuổi nghỉ hưu quy định trên 55 tuổi như hiện nay là chưa thực sự phù hợp”, cô Hường chia sẻ.
Giáo viên mầm non gặp nhiều nguy cơ và rủi ro
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường Mẫu giáo Họa Mi, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cho hay: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp lãnh đạo đối với ngành Giáo dục, nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành, trong đó có chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo. Điều này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình; Qua đó chất lượng giáo dục cũng được nâng lên.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên mong sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non như các trường chuyên biệt |
Tuy nhiên, so với hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác, cô Nguyên cho rằng dù có quy định 40 giờ/tuần nhưng thực tế giáo viên mầm non làm việc gần như gấp đôi, sáng 6h30 có mặt đến 17 hoặc thậm chí 18 giờ chiều, khi phụ huynh trước trẻ xong mới xem như kết thúc ngày làm việc, buổi trưa còn phải trông trẻ ăn, chăm trẻ ngủ, làm đồ dùng dạy học. Trung bình mỗi ngày giáo viên mầm non làm việc từ 10 đến 12 giờ. Khi về đến nhà các cô khó mà tròn trách nhiệm chăm lo đầy đủ cho gia đình.
Mặt khác công việc của giáo viên mầm non mang tính chất rất đặc thù, vừa nuôi vừa dạy, đảm bảo tất cả các trẻ đều phải phát triển, phải tập trung chú ý, chăm sóc từng cháu, rất áp lực. Giáo viên mầm non cũng là người phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ... Gần như là một chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý... đóng rất nhiều vai.
Ngoài ra, vị trí việc làm của giáo viên mầm non cũng gặp nhiều nguy cơ và rủi ro. Làm việc trong môi trường có nhiều trẻ nhỏ, giáo viên phải chấp nhận việc mình thường xuyên mắc bệnh như cảm sốt và có thể lây truyền cho người thân trong gia đình. Đồng thời, cũng có trường hợp phụ huynh nóng tính có thể có những hành động xúc phạm thể chất và tinh thần đối với giáo viên mầm non.
“Có thể thấy giáo viên mầm non rất vất vả, nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay rất thấp so với công sức các cô bỏ ra, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nên vừa qua có rất nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Do đó, kính mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ tham gia giáo dục mầm non và giúp các cô an tâm công tác”, cô Nguyên bày tỏ mong muốn.
Theo cô Nguyên, trong các trường học hiện nay có các cuộc thi, hội thi của giáo viên, học sinh, trong đó có cuộc thi trong ngành giáo dục và đào tạo phát động. Đồng thời cũng có nhiều cuộc thi do các Bộ, ngành khác hoặc do địa phương phát động đều lấy giáo dục là trọng tâm, nòng cốt. Vì vậy, giáo viên có rất nhiều áp lực, mất nhiều thời gian, không có điều kiện chăm sóc gia đình. Cô Nguyên kiến nghị Bộ trưởng quan tâm, giảm thiểu tối đa các cuộc thi không cần thiết. |