Một năm nhìn lại, kinh tế Quảng Nam khởi sắc hậu COVID-19
Báo chí phản ánh đầy đủ, sinh động những bước chuyển mình của Quảng Nam Quảng Nam: Tổ chức chương trình "Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân" |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu |
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt Chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nhìn lại một năm kinh tế Quảng Nam khởi sắc sau đại dịch COVID-19, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch (PCT) UBND tỉnh Quảng Nam ông Hồ Quang Bửu.
Các lĩnh vực kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ
Theo PCT UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, năm 2022 tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn với không ít thách thức đan xen, dịch Covid-19 vẫn phức tạp và nguy hiểm. Trong khi đó, khả năng ứng phó dịch bệnh dù đã được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp còn hạn chế, thiên tai vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, UBND tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch COVID-19, tập trung khắc phục hậu quả do bão, lũ sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Cùng với đó, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.
Cảng biển Chu Lai (Nguồn: TH) |
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 73.417 tỷ đồng, tăng 12,4% và cao hơn năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao đầu năm (7,5-8%).
Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) của năm 2022 dự kiến hơn 116.401 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 12,5%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,3%; Khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 27,6%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 19,6%. GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, tăng 12,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng tăng 4,7% so với năm 2021.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp tiếp tục khởi sắc, đạt mức tăng trưởng 19,2% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,3%).
Du lịch Quảng Nam phục hồi mạnh mẽ |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, việc thực hiện giảm thuế trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước được ban hành kịp thời đã tạo động lực cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô là thế mạnh của tỉnh phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu ổn định đã thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp ngành may mặc và da giày…
Bên cạnh đó, ngành du lịch - dịch vụ đã sôi động trở lại như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19, một số ngành dịch vụ tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước; Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2022 ước đạt 4.746.000 lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ, đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế Quảng Nam.
Khách du lịch quốc tế đã trở lại Hội An |
Dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2022 được HĐND tỉnh giao là 23.700 tỷ đồng, ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Ước thu nội địa năm 2022 là 25.210 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán, tăng 28,8% so với cùng kỳ; Thu xuất nhập khẩu ước thực hiện là 6.934 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán, tăng 106% so với cùng kỳ. |
Thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp đi vào thực chất
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, trước tình hình phát triển kinh tế khó khăn sau đại dịch, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các doanh nghiệp và hướng dẫn thực hiện các thủ tục sau thành lập, hỗ trợ thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tạm ngưng, giải thể; Thực hiện tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách về hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trên Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, ứng dụng Smart Quảng Nam.
Khu vực công nghiệp tiếp tục khởi sắc, đạt mức tăng trưởng 19,2% (Ảnh: CTV) |
Bên cạnh đó, Quảng Nam xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học, mở rộng kết nối, tạo sự lan tỏa khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Hệ thống hội, câu lạc bộ khởi nghiệp được thành lập; Tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Chuyển đổi số - Sản phẩm OCOP tỉnh lần thứ ba - TechFest Quảng Nam 2022, với sự tham gia của hơn 600 sản phẩm khởi nghiệp đến từ 10 tỉnh, thành trên toàn quốc tạo làn sóng kết nối, giao lưu mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.149 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 9.998 tỷ đồng, tăng 13,05% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 552 doanh nghiệp, tăng 20,8%.
Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô - thế mạnh của tỉnh Quảng Nam vẫn giữ được sự ổn định (Ảnh: TH) |
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 68,24 triệu USD thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ. Trong đó, có một số dự án lớn như dự án nam châm từ tính SGI tại KCN Bắc Chu Lai với tổng vốn đầu tư 39,3 triệu USD; Dự án nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 8,62 triệu USD… nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 194 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6,05 tỷ USD. Tỉnh cấp mới 56 dự án với tổng vốn đăng ký 8.566,4 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 968 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 242 nghìn tỷ đồng.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 Quảng Nam đứng vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước; Thuộc nhóm khá. Trong 10 chỉ số thành phần, Quảng Nam có 5 chỉ số tăng điểm gồm: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý; 5 chỉ số giảm gồm: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động.
Các dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng (Ảnh V.Q) |
Mặc dù nguồn thu ngân sách Nhà nước tăng nhưng đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dự báo trong trung hạn sẽ khó đảm bảo dự toán đề ra, giải ngân vốn đầu tư còn chậm, tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm… Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số dự án tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, bên cạnh những tín hiệu khả quan đến từ số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, thì số liệu về doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy sự ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022 .
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, năm 2023 cùng với những giải pháp chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sẽ tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025.
Dự án nạo vét, khơi thông dòng Cổ Cò của UBND tỉnh Quảng Nam đang gấp rút hoàn thiện (Ảnh V.Q) |
So với 15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Quảng Nam đề ra năm 2022, vượt 5 chỉ tiêu quan trọng: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; Thu ngân sách trên địa bàn; Giảm số hộ nghèo; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và 10 chỉ tiêu đạt. |