Một nền giáo dục tốt, sẽ có những nhà khoa học tốt
Khơi thông tiềm năng khoa học công nghệ, thúc đẩy kinh tế tư nhân |
Chiều 6/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án luật: Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ |
Phải bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo
Tại Tổ 13 (gồm đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk, Lào Cai), các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, hoàn thiện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với chuyển đổi số được xác định là động lực then chốt, yếu tố đột phá quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Phát biểu thảo luận tại tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phải cập nhật được các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 57, Nghị quyết 66 về đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật và mới đây nhất là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời nhấn mạnh "tiến tới cũng phải xây dựng luật về phát triển kinh tế tư nhân".
![]() |
Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại Tổ |
Góp ý cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đặt tên luật một cách rõ ràng hơn, đó là Luật Khoa học, Công nghệ (sửa đổi) và Đổi mới sáng tạo nhằm tăng tính nhận diện, phản ánh đúng phạm vi điều chỉnh và thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phát triển lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc làm rõ khái niệm và phạm vi đổi mới sáng tạo trong luật. Bởi hiện nay khái niệm đổi mới sáng tạo trong dự thảo luật vẫn thiên về yếu tố công nghệ, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh phi công nghệ như đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, mô hình kinh doanh, quản lý...
Nhấn mạnh, "phải bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung rõ hơn, rộng hơn khái niệm "đổi mới sáng tạo". Theo đó, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế. Làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quản trị công được khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Phải đột phá hơn Nghị quyết 193
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc sửa đổi luật KH&CN lần này phải tạo đột phá thực chất, vượt lên trên Nghị quyết 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được thông qua tại Kỳ họp bất thường vừa qua.
Ông cũng đề cập lại kiến nghị từng nêu tại Nghị quyết 193, đó là loại bỏ yêu cầu phải thanh toán hóa đơn, chứng từ như quy định thông thường đối với các nhà khoa học, vì điều này làm mất thời gian, cản trở sáng tạo và hiệu quả nghiên cứu.
"Nếu yêu cầu thanh toán hóa đơn chứng từ theo quy định thì nhà khoa học chỉ lo đối phó với hóa đơn, chứng từ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị dự thảo luật phải có quy định cơ chế đột phá về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính thực chất cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học, công nghệ.
Ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học; nghiên cứu thiết lập các cơ chế tài chính linh hoạt như là quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đơn giản hóa thủ tục chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học...
Bên cạnh đó, Luật cần bổ sung chính sách hỗ trợ cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, chia lợi nhuận từ kết quả nghiên cứu thương mại hóa, thưởng cho nghiên cứu cơ bản... Việc đào tạo cần thực hiện từ cấp phổ thông, sớm định hướng ngành nghề, phát triển chương trình liên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế số.
“Nghị quyết 57 đã nêu rõ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu muốn phát triển nhanh, phải dựa vào khoa học, công nghệ và giáo dục. Một nền giáo dục tốt sẽ tạo ra những nhà khoa học tốt - đây chính là chìa khóa then chốt để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc nghiên cứu thiếu gắn với nhu cầu thị trường đã dẫn đến lãng phí lớn. Vì vậy, cần đẩy mạnh cơ chế đặt hàng từ doanh nghiệp, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường; quy định ưu tiên mua sắm công với các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học, các viện nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
Thảo luận tại các tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất luật phải quy định rõ vai trò và trách nhiệm của từng chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức trung gian... Đồng thời, cần khuyến khích mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành, tích hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, gắn kết nghiên cứu với thị trường, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Một điểm mới đáng chú ý là đề xuất quy định xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước. Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, đây là điểm đột phá, nhưng cũng lưu ý cần có hướng dẫn chi tiết để phân biệt rõ giữa tài sản trang bị và tài sản hình thành từ nhiệm vụ, tránh nhầm lẫn và đảm bảo cơ chế giám sát minh bạch.
Còn đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) đánh giá, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã cơ bản khơi thông nguồn lực công - tư, phát triển kinh tế tư nhân, giúp hình thành thị trường khoa học công nghệ, kết nối cung - cầu về khoa học công nghệ. Đại biểu cũng đánh giá, việc quy định phân chia kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ là lợi nhuận sau thuế với tối thiểu 30% cho nhà khoa học là điều khoản mạnh dạn. “Đây là quy định mới, là cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học”, đại biểu Lê Quân nói.
Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về cơ chế phân chia lợi nhuận trong trường hợp khoa học công nghệ phục vụ mục đích an ninh - quốc phòng hay hợp tác nghiên cứu với khu vực tư nhân; đồng thời, bảo đảm kinh phí cho nghiên cứu khoa học cơ bản.
Tin liên quan
Đọc thêm

Sôi động “Ngày hội AI” tại Điện Biên

Điện Biên quyết tâm thực hiện “trận đánh lớn” trên mặt trận số

Điện Biên: Nhiều hoạt động trong “Ngày hội AI”

Hành trình "số hóa" công tác dân vận giải phóng mặt bằng từ thôn xóm

Hà Nội sắp có Khu công nghệ cao Sinh học rộng khoảng 199,03ha

TP Hồ Chí Minh ra mắt hệ thống cảnh báo khẩn cấp

Mọi thủ tục, giao dịch phải được thực hiện trên môi trường số

Tuổi trẻ Bình Thuận số hóa địa chỉ đỏ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Việt Nam bước vào kỷ nguyên số không giới hạn
