Tag

Mùa xuân - mùa lộc biếc xanh

Văn học 30/01/2025 09:00
aa
TTTĐ - “Dâu bãi lưa thưa lược chải trời / Tháng Giêng sông Đáy tháng Giêng ơi / Giếng chiều gánh nước nghe ai hát / Líu ríu mưa xuân gió rét đài”. Tôi nhớ mãi mà không biết những câu thơ ấy của ai. Nó cứ như những giọt mưa xuân suốt những năm thơ bé ngấm vào tôi, thấm thía, tha thiết, bồi hồi, man mát.
Khát khao làm rạng danh Việt Nam qua "Vạn dặm xuân vui" Tưng bừng Lễ hội gói bánh chưng chào Xuân Ất Tỵ Du xuân xem hội thi gà thờ làng Gượm

Làng tôi ven sông Hồng. Làng chia thành ba khoảnh đất. Một là trong cánh đồng, hai là bên kia đê, sát với mép sông. Ba là bên kia sông, chỗ bãi cát bồi tốt bời bời. Hay nói cách khác, con sông và con đê chia làng tôi ra làm ba dải. Dải giữa ven bờ sông chỉ dành để ở. Dải cánh đồng thì vừa ở vừa trồng cấy. Riêng dải bãi bồi thì chỉ dành riêng cho dâu, ngô, khoai.

Mùa xuân bên bờ sông Hồng
Mùa xuân bên bờ sông Hồng

Hồi tôi còn bé tí, tức là lúc còn ở quê, có bạo lắm tôi cũng chỉ dám đứng bên này bờ sông nhìn sang ngút ngàn dâu vào mùa xuân. Ai ở đồng ruộng bãi bồi mới biết hết cái màu xanh non của dâu mùa xuân. Màu chồi non lộc biếc đẹp như thế nào thì điệp điệp trùng trùng bãi dâu còn đẹp hơn ngàn lần như thế.

Mưa xuân xuống, gió đông thổi, dâu vươn cành, trổ lá mới, mỡ màng như gái đẹp gặp trai tài. Hồi đó tôi quá bé để tìm hiểu xem làng mình trồng dâu bán hay để tự nuôi tằm. Nhưng tôi nghiêng về khả năng các thuyền buôn đến lấy dâu chuyển đi trên sông hoặc là làng hái về bán cho các nơi khác nhiều hơn. Bởi tôi có thấy người làng nuôi tằm nhưng rất ít, hầu như chỉ vài nhà chứ không phải cả làng để tiêu thụ hết bãi dâu bạt ngàn ấy.

Điều ấy cũng là bởi làng tôi chỉ thuần nghề lao động, không giỏi buôn bán, lại càng chẳng khéo tay. Đến như bà nội tôi, đan lát giỏi thì cùng lắm cũng chỉ bện được những chiếc chổi, làm thành những chiếc thúng, mủng, dần sàng để dùng trong nhà, thi thoảng lắm mới mang bán ra chợ. Cả làng tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu là chính.

Người ta cứ bảo rào rào như tằm ăn rỗi nhưng trong kí ức của tôi thì không còn lại những âm thanh ấy. Chỉ là hình ảnh những con tằm bé tí, nhoắng cái nắm lá dâu bỏ vào đã trơ gân. Rồi những chiếc kén vàng ươm hay trắng tinh, tôi thích thú sờ vào nhấc lên định chơi thì bị nhắc nhở phải bỏ ngay xuống.

Con tằm ăn rỗi làm nên những chiếc kén trắng ngà
Con tằm ăn rỗi làm nên những chiếc kén trắng ngà

Hồi đó hình như tôi được giải thích là không được có hơi người, nếu không tằm sẽ chết sớm, nhộng già sớm không “được kén” gì đó. Tôi không gặp lại lần thứ hai bởi sau này tôi lớn thêm, về thăm quê thì chẳng nhà nào còn nuôi tằm nữa. Cũng phải thôi, làng có ai ươm tơ dệt vải, quanh vùng cũng chẳng có nhà máy sợi gì thì duy trì kiểu trồng dâu nuôi tằm đó sao được.

Thế nên sau này, tôi tiếc vô cùng cái bãi dâu xanh mướt làng tôi. Tôi tiếc cả những lần bà đi sang bãi về, lúc thì chìa cho tôi tổ chim với mấy quả trứng nhỏ xinh. Hồi bé ngây thơ ham ăn chỉ muốn bà luộc ngay lên cho mồm có cái ăn. Hẳn bà tôi cũng nghĩ thương cháu mà bắt về cho chứ nếu là các con tôi bây giờ hẳn chúng sẽ chẳng đòi ăn mà tôi cũng không nỡ lòng nào làm vậy.

Rồi có hôm bà làm cỏ dâu, mang về cho tôi những cây mía bói. Mía bói nhỏ như ngón tay út, còn chẳng bằng thân lau, xanh bạc, dài nghêu và ngọt như mía. Cứ thế mà nhai cả cây rồi nhả bã chứ dóc vỏ thì có mà hết. Thành ra ăn xong ngọt thật, đã thật nhưng rát cả lưỡi.

Đó là mía bói mùa xuân. Còn mía bói mùa hè, sau những trận lũ lụt ngập bãi, mía đổ bò ra, ngập trong cát, mọc khá nhiều rễ, đốt cũng ngắn nhưng bù lại vàng ươm, mềm và ngọt đậm. Vớ được mớ mía bói bà đưa, thường là bà đã rửa từ khi đi đò qua sông, tôi chỉ việc cầm con dao, ù té chạy ra sân, nhót lên tường rào ngồi vắt vẻo thả chân xuống dưới, tay gọt rễ mía như vót đũa đến đâu thì ăn đến đấy.

Bọn chuột đu cành dâu cũng nhiều. Chuột mùa xuân không béo như mùa hè, khi ngô khoai lớn chật bãi, chúng tha hồ ăn. Chuột bãi vắng người nên dạn người, bắt rất dễ. Chuột ăn toàn nông sản nên sạch, mà có sạch hay không cũng chẳng biết, cứ bắt được là kho tương ráo.

Thực ra thì làng không trồng dâu cũng chuyển sang trồng thứ khác. Vẫn có mía bói, có trứng chim và nhiều vô kể chuột bởi đây là thế giới riêng của chúng. Túp lều của bác bảo nông như một chấm đen giữa bãi, bác đi tuần một vòng cũng hết cả ngày.

Làng tôi vẫn thế, chỉ biết chăm chỉ làm, làm ra rất nhiều những thứ không ngon nhưng số lượng bù chất lượng. Khoai vừa hà vừa sượng, không ngọt cũng chẳng bở, chỉ ăn sống hoặc phơi khô làm bánh là ngon chứ luộc thì chỉ để cho gà, cho lợn. Ngô thì không ngọt cũng chẳng dẻo, chỉ để già làm thức ăn chăn nuôi hoặc rang ăn vặt cho đỡ buồn.

Mùa xuân - mùa lộc biếc xanh

Đứng ở bờ bên này nhìn sang, sông Hồng vẫn cuộn trào sóng đỏ, những xoáy nước hun hút và cả một lần chết đuối hụt khiến tôi không một lần dám đi đò sang sông. Có những năm nước cạn, người làng không phải đi đò nữa. Cứ dò theo các doi đất bồi là sang được bãi. Tôi vẫn thèm được sang bãi mà kí ức về mùa dâu tháng giêng xanh quá đỗi cứ rập rờn trong tâm tưởng, khiến tôi không muốn giấc mơ của mình bị phá vỡ, đành ngậm ngùi đứng bên bờ kí ức mà thôi.

Bù lại, lúa xuân mùa nào cũng vậy, cứ xanh như thể năm này qua năm khác vẫn chính là những cây lúa ngày nào. Thực ra, hết Tết, lúa chỉ là những cây mạ vừa ấm rễ. Nên cái màu xanh lá mạ (cũng là một màu có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới đặt như thế) ấy nó cứ biến đổi từng ngày.

Năm nào rét muộn, ra xuân còn tê tái cóng buốt, có khi màu xanh lá mạ chuyển thành màu vàng úa. Rét quá lúa chết có khi còn phải gieo mạ lại, cấy lại. Không đúng thời vụ nên chắc chắn năm đó thóc kém.

Năm nào xuân ấm, gió đông, mưa bụi thoắt rơi thoắt ngừng chứ không dầm dề nồm ẩm thì màu xanh lá mạ cứ đậm dần, đậm dần rồi chuyển thành xanh già. Ấy là lúc lúa bước vào thì con gái.

Đúng là các cụ quá giỏi, sao lại có thể nghĩ ra cách ví von tài tình đến thế. Người không sống ở nông thôn chỉ biết nói mồm thì không bao giờ cảm nhận hết được cái đẹp của lúa lúc ra xuân. Cứ xanh mơn mởn, xanh hồn nhiên, xanh bật lên như sức sống thanh xuân của các cô gái lúc dậy thì. Cái đẹp rờ rỡ đấy mà trong trẻo quá đỗi, không mảy may gợn chút gì trần tục.

Ngày nào cũng vài ba bận tôi chạy từ nhà ra đồng, từ đồng về nhà. Có khi dang hai cánh như chim, có khi chỉ là băng băng đi để cho gió lùa ngược tóc mình, cảm nhận tóc bay theo sóng gợn lăn tăn trên mặt lúa trải khắp cánh đồng. Tôi thuộc cả ruộng lúa nhà mình, nhớ cả cái Mương Mới gần đó rất to cung cấp nước cho khoảng ruộng lớn xung quanh nó.

Lúa vừa lớn lên từ mạ, chưa có cái mùi thơm thơm của đòng, chỉ có mùi tanh tao của bùn, mùi của đất, của nước đổ ấm chân ruộng. Lúc này những con chim cũng chưa có sâu để mà đến đậu bắt ngó nghiêng. Lúc này bà tôi cũng chưa phải làm cỏ hay tát nước nhiều. Có khi chỉ mình tôi giữa bao la cánh đồng lúa ấy. Thế mà tôi cũng chẳng sợ. Bởi có màu xanh kia gợi nên biết bao yên bình.

Đọc thêm

Ghé thăm vùng đất trẻ thơ của tác giả Yuichi Kimura Văn học

Ghé thăm vùng đất trẻ thơ của tác giả Yuichi Kimura

TTTĐ - Ngày 29/3, đông đảo các thiếu nhi, phụ huynh và người yêu thích sách đến NXB Kim Đồng tham dự sự kiện “Cùng chơi với bé! - Ghé thăm vùng đất trẻ thơ của tác giả Yuichi Kimura - Vui nhộn, đáng yêu và đầy bất ngờ!”. Tác giả Yuichi Kimura đã từ Nhật Bản quay trở lại Việt Nam lần thứ hai sau 10 năm để gặp gỡ các độc giả nhỏ tuổi của mình.
Khám phá, mơ mộng, sáng tạo với "Tuần lễ Sách tranh thiếu nhi UK" Văn học

Khám phá, mơ mộng, sáng tạo với "Tuần lễ Sách tranh thiếu nhi UK"

TTTĐ - Tại “Tuần lễ sách tranh thiếu nhi UK: Khám phá, Mơ mộng, Sáng tạo” tổ chức tại Nhà xuất bản Kim Đồng từ ngày 21 - 28/3, với một chuỗi các hoạt động như trưng bày nghệ thuật, đọc sách sáng tạo, trò chuyện chuyên đề mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm thú vị và bổ ích.
Tình yêu Tổ quốc lấp lánh trong "Trái tim của đảo" Văn học

Tình yêu Tổ quốc lấp lánh trong "Trái tim của đảo"

TTTĐ - Trong "Trái tim của đảo", với góc nhìn và trái tim thơ trẻ, nhà thơ Hồ Huy Sơn đã “hô biến” những hình ảnh, sự vật vốn dĩ đã trở nên quen thuộc qua những bài báo, phóng sự về biển đảo, thành những tứ thơ giàu sức gợi, vẽ nên bức tranh quần đảo Trường Sa dung dị mà thơ mộng, đầy màu sắc. Nhà thơ khéo léo đan cài cảm xúc cá nhân và tình yêu Tổ quốc, truyền tải tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, chân thành.
“Học tập suốt đời” - triết lý xuyên suốt mọi thời đại Văn học

“Học tập suốt đời” - triết lý xuyên suốt mọi thời đại

TTTĐ - Học tập suốt đời là một triết lý được các học giả từ nhiều nơi trên thế giới ủng hộ, trong số đó có tác giả Michelle R. Weise (cựu học giả Fulbright và tốt nghiệp tại đại học Harvard và Stanford). Bà là tác giả của cuốn sách “Long-Life Learning: Preparing for Jobs that Don’t Even Exist Yet” (Học tập suốt đời: Sẵn sàng cho những công việc còn chưa ra đời).
Tái bản tiểu thuyết tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch Văn học

Tái bản tiểu thuyết tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch

TTTĐ - Chọn đúng dịp 27/2, nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam, tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh đã chính thức tái bản cuốn tiểu thuyết "Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi". Ngay sau khi phát hành lần đầu vào tháng 10/2024, tác phẩm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả và bán hết 1.000 bản chỉ sau 5 ngày.
Sự thật và cảm xúc - đôi cánh của thơ! Văn học

Sự thật và cảm xúc - đôi cánh của thơ!

TTTĐ - Cất lên tiếng nói của trái tim, thơ là cảm xúc chân thành, dung dị, nồng hậu. Nếu tuôn trào từ cái nôi sự thật đời sống, cảm xúc sẽ nhân đôi. Hai cánh sự thật và cảm xúc sẽ nâng bài thơ bay cao, bay xa vào bầu trời cảm nhận của độc giả. Bài thơ mới của Nguyễn Hồng Vinh “Niềm vui - Hạnh phúc song hành” vừa ra đời là một thi phẩm tiêu biểu.
Những cung đường mùa xuân Văn học

Những cung đường mùa xuân

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Những cung đường mùa xuân" của tác giả Vũ Thị Huyền Trang.
“Đóa hoa sương núi” - cuộc sống, ước mơ của những đứa trẻ Raglai Văn học

“Đóa hoa sương núi” - cuộc sống, ước mơ của những đứa trẻ Raglai

TTTĐ - Hòa chung không khí chủ đề “Non sông gấm hoa” của Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025, SBOOKS ra mắt cuốn sách “Đóa hoa sương núi”. Câu chuyện về cuộc sống, ước mơ của những đứa trẻ đồng bào Raglai, một lần nữa đưa tác giả trẻ Tâm An đến với bạn đọc.
Đầu xuân “Nghe sách ngày Tết - Gắn kết niềm vui” Văn học

Đầu xuân “Nghe sách ngày Tết - Gắn kết niềm vui”

TTTĐ - Sáng 30/1 (tức mùng 2 Tết Ất Tỵ), tại tuyến đường Lê Lợi, công ty cổ phần BOOKAS tổ chức talkshow “Nghe sách ngày Tết - Gắn kết niềm vui”. Chương trình trong khuôn khổ Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ năm 2025 với chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa” do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh chủ trì.
Lời chào mùa xuân Văn học

Lời chào mùa xuân

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu chùm thơ xuân của các tác giả Huỳnh Mai Liên, Nguyễn Thị Hồng Hà, Bùi Thị Thu Lê.
Xem thêm