Mừng và lo khi doanh nghiệp phá sản còn tăng cao
Số doanh nghiệp phá sản vẫn tăng cao Các doanh nghiệp cần hạn chế xuất khẩu thép |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với 2 đợt dịch bùng phát vào tháng 1 và tháng 4/2021 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 này đã tác động đến trung tâm kinh tế vùng Đông Nam Bộ là TP HCM, gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu tác động lớn, thể hiện qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Doanh nghiệp đang gồng mình chống chọi với dịch Covid-19 |
Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng với 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng nói, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ và là đối tượng liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2016-2021, thì tỷ lệ này cơ bản không có sự thay đổi lớn (tỷ lệ tăng trung bình giai đoạn 2016 - 2021 là 24,1%).
Theo đánh giá của Bộ Công thương, không thể phủ nhận dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của rất nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định rút lui của doanh nghiệp, do Covid-19, do đầu ra đứt gãy, do chi phí hoạt động tăng quá cao, hay có thể do thay đổi ngành nghề, chiến lược kinh doanh...
Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.
Trên thực tế, những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất. Điều này cũng phản ánh sự thanh lọc mạnh mẽ đang diễn ra trong các lĩnh vực trên.
"Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ, qua đó giúp tái cơ cấu nền kinh tế, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn", Bộ Công thương đánh giá.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp gia nhập thị trường được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay. Với 67.083 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới này vượt qua cột mốc 66.958 doanh nghiệp của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.
Bộ Công thương đánh giá đây là một kỷ lục đặc biệt, vì trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp, sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cho thấy nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện.
Mặt khác, bình quân vốn đăng ký trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, trong kỳ đã có 23.708 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm gần 1,2 triệu tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có cơ hội phục hồi tốt so với năm ngoái, nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp là khá lớn.