Mỹ: Tài sản của thế hệ X tăng 50% trong đại dịch
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong thời kỳ đại dịch, sự phân bổ của cải của các hộ gia đình đã chuyển từ những thế hệ già hơn sang thế hệ X.
Dữ liệu cho thấy cổ phiếu và quyền lợi lương hưu của thế hệ X tăng mạnh, trong khi tỷ lệ nợ tiêu dùng của họ giảm xuống.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đánh dấu sự phục hồi của thế hệ X, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hàng triệu người trong nhóm này, những người ở độ tuổi 30 và đầu 40 vào thời điểm đó, đã mất việc làm và của cải, nhà ở.
Sau đó, sự nghiệp của họ dần ổn định trở lại. Nhiều người đã dùng số tiền tiết kiệm được để đầu tư vào thị trường chứng khoán và tài khoản hưu trí 401Ks.
Tính đến tháng 6 năm nay, Thế hệ X nắm giữ 28,6% tài sản của cả nước Mỹ, tăng 3,9% so với quý đầu tiên của năm 2020, theo dữ liệu của Fed. Theo giá trị USD, tổng giá trị tài sản ròng của nhóm này đã tăng thêm 50%.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra khủng hoảng giá nhà ở và điều này mang lại lợi ích cho thế hệ X.
Nhiều người thuộc thế hệ X đã có nhà và điều đó giúp họ tăng thêm tài sản. Trong khi đó, thế hệ thiên niên kỷ (còn gọi là thế hệ Y hay Millenials, sinh trong giai đoạn 1980-1994) ít có khả năng sở hữu nhà hơn.
Tài sản của thế hệ X tại Mỹ tăng 50% trong đại dịch (Ảnh: NYP) |
Thế hệ X cũng được hưởng lợi nhiều hơn thế hệ Baby Boomers (thế hệ sinh sau Thế chiến 2, giai đoạn 1946-1964) xét về sự gia tăng tài sản lương hưu. Những người thuộc thế hệ Baby Boomers trẻ nhất hiện cũng 57 tuổi (sinh năm 1964) và nhiều người đã nghỉ hưu, có nghĩa lương hưu của họ thấp.
Trong năm 2020, tài sản của các gia đình Mỹ đã tăng 13,5 nghìn tỷ USD. Đây được coi là xu hướng bất thường trong thời kỳ suy thoái mà nhiều nhà phân tích dự báo khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy người Mỹ vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, thay vì nghèo đi, nhiều người lại có khối tài sản tăng lên.
Nhiều người dân Mỹ đã trả xong nợ thẻ tín dụng, tiết kiệm được nhiều hơn và tái cấp vốn thành các khoản thế chấp rẻ hơn.
Chính phủ Mỹ đã chi hàng ngàn tỉ USD để giữ cho nền kinh tế không bị sụp đổ. Bên cạnh đó, tình cảnh suy thoái khiến lãi suất giảm đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào cổ phiếu hơn. Những người lao động phải ở nhà do các lệnh phong tỏa thử tham gia buôn bán, kéo theo các ông lớn công nghệ kiếm được bộn tiền. Thị trường cổ phiếu đã trở thành nơi kiếm tiền của các gia đình, chiếm gần một nửa trong số tăng giá trị tài sản công bố ở trên.
Khi thị trường chứng khoán bùng nổ, những người giàu lại càng giàu thêm. Trên 70% mức tăng tài sản hộ gia đình thuộc về 20% giàu nhất. Khoảng 1/3 nằm trong top 1% giàu nhất.
Tại Mỹ, sự giàu có được tính bằng cách lấy tổng số tài sản như nhà cửa và khoản đầu tư trừ đi khoản nợ của một gia đình như thế chấp và nợ đại học thay vì thu nhập. Trong đại dịch, những người Mỹ có công việc thu nhập cao dường như lại càng tiết kiệm được nhiều hơn khi họ được làm việc ở nhà và không phải mất chi phí di chuyển, ăn uống ở ngoài như mọi khi.