Nâng cao kiến thức cho học sinh về ma túy, thuốc lá điện tử và bạo lực học đường
Chương trình là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa với mong muốn giúp các đoàn viên, thanh niên học sinh trong trường có thêm những kiến thức liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội.
Chương trình là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa với mong muốn giúp các đoàn viên, thanh niên học sinh trong trường có thêm những kiến thức liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội |
Chương trình gồm 2 phần:
Phần 1: Tiểu phẩm "Cảnh giác với ma túy" do Cơ sở Cai nghiện Ma túy số 3 Hà Nội thực hiện và tự sự của học viên Nguyễn Văn Toàn hiện đang học tập, cai nghiện tại Cơ sở.
Phần 2: Đội xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ công an huyện Đông Anh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhận diện, phòng, chống các loại ma tuý mới, thuốc lá điện tử; Vấn đề tụ tập gây rối, gây mất ANTT, bạo lực học đường; Vấn đề quan hệ tình cảm, tình dục trong thanh thiếu niên và sử dụng mạng xã hội.
Tiểu phẩm "Cảnh giác với ma túy" do Cơ sở Cai nghiện Ma túy số 3 Hà Nội thực hiện |
Là một người từng sử dụng thuốc lá điện tử có chứa tinh dầu cần xa và sử dụng ma túy đá, Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 2001, sống tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), hiện đang là học viên của Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 hơn ai hết là người nhận thức được rõ ràng nhất tác hại của những chất ma tuy này đối với cuộc sống.
Văn Toàn cho biết mình đến với những chất ma túy này từ năm lớp 10, sau khi được bạn bè cho "dùng thử" trong một lần ờ đi ăn sinh nhật. Một, hai lần, nhiều lần rồi liên tục, sau gần 2 năm sử dụng những chất này, sức khỏe và tinh thần của Toàn rơi vào trạng thái không thể kiểm soát, việc học tập phải dừng lại, gia đình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Học viên Nguyễn Văn Toàn - hiện đang học tập, cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện Ma túy số 3 Hà Nội tự sự về quá trình cai nghiện của bản thân |
Sau hơn một năm sống tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội, sức khỏe của Văn Toàn đã ổn định trở lại. Toàn cũng được hướng nghiệp, hướng nghề, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
"Bản thân mình nhận ra rằng tác hại của ma túy với đối với mỗi người là không thể đo đếm được. Nó cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cục tới cuộc sống, sức khỏe, tinh thần rồi học tập và gia đình.
Mình mong muốn các bạn à hãy tránh xa ma túy và đặc biệt là thuốc lá điện tử vì chính bản thân mình. Nếu phát hiện ra bất kỳ trường hợp nào, hãy báo cáo ngay cho thầy cô hoặc gia đình để kịp thời xử lý", Văn Toàn chia sẻ thêm.
Trung tá Nguyễn Thị Thảo, Đội trưởng đội xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ công an huyện Đông Anh chia sẻ các kiến thức tại buổi tuyên truyền |
Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh và giáo viên nhà trường đã được Trung tá Nguyễn Thị Thảo, Đội trưởng đội xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ công an huyện Đông Anh trao đổi, chia sẻ, giải đáp mọi thắc mắc để giúp các em hiểu rõ hơn về Luật Phòng chống ma túy, một số loại ma túy thường gặp ở Việt Nam; Tác hại của các loại ma túy và thuốc lá điện tử, đặc điểm nhận diện của một số loại ma túy thế hệ mới hiện nay như nước vui, bóng cười, bùa lưỡi...; Các biểu hiện thường gặp đối với người nghiện ma túy; Thủ đoạn của tội phạm ma túy, cách chủ động phòng tránh để không vướng vào tệ nạn ma túy…
Tiếp đó, các em học sinh cũng được trang bị những kiến thức hữu ích về các hành vi bạo lực học đường như: khái niệm, thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh bạo lực học đường, chia sẻ những câu chuyện thực tế để giúp các em học sinh hiểu rõ hơn, sâu hơn về các quy định của pháp luật có liên quan đến các hành vi bạo lực học đường. Từ đó, có tinh thần phê bình, biết lên tiếng trước những hành động xấu để bảo vệ bạn bè cũng như bảo vệ chính mình.
Thầy Lê Văn Chung - Hiệu trưởng Trường THPT Cổ Loa |
Theo chị Hoàng Thị Phương, Bí thư Đoàn trường THPT Cổ Loa, vấn đề sử dụng ma túy, sử dụng thuốc lá điện tử đang là một vấn đề rất nóng, đặc biệt là đối với đối tượng học sinh, sinh viên. Những hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng ma túy, thuốc lá và thuốc lá điện tử sẽ giúp học sinh có thêm kỹ năng, hiểu biết để phòng và chống các nguy cơ từ "hiểm họa này.
"Những kinh nghiệm được chia sẻ trong buổi tuyên truyền có ý nghĩa rất là lớn đối với các em học sinh. Khi mà các con được trực tiếp tham gia, được lắng nghe và trao đổi từ các chuyên gia và những người có chuyên môn, các em học sinh sẽ hiểu và nhận thức rõ hơn về tác hại của các chất cấm này. Từ đó, các em sẽ biết cách để xử lý khi đối diện với nguy cơ từ những chất gây nghiện này", chị Phương chia sẻ.
Chăm chú lắng nghe những kiến thức từ buổi tuyên truyền, em Phạm Đức Bảo, học sinh lớp 10A10 trường THPT Cổ Loa cảm thấy rất vui khi có được những kiến thức thực tế từ ma túy, bạo lực học đường và các vấn đề trên mạng xã hội.
Buổi tuyên truyền đã mang tới nhiều thông tin, kiến thức, bài học thực tế gần gũi với đời sống, giúp các em học sinh trong trường nâng cao ý thức cảnh giác, có trách nhiệm hơn trong việc ngăn chặn ma túy và thuốc lá điện tử, phòng tránh bạo lực học đường |
Đức Bảo chia sẻ: "Bản thân em nhận thức được việc phòng chống và khuyên ngăn các bạn không tham gia vào những hoạt động bạo lực và sử dụng các chất kích thích gây nghiện. Việc tìm hiểu kiến thức từ những người trực tiếp tham gia hoạt động phòng chống vấn đề này và chính nạn nhân của chúng trong buổi tuyên truyền kiến thức sẽ giúp không chỉ em và các bạn khác được trang bị thêm "tấm khiên" thật vững chắc".
Các đại biểu tặng hoa cảm ơn đồng chí Báo cáo viên |
Buổi tuyên truyền đã mang tới nhiều thông tin, kiến thức, bài học thực tế gần gũi với đời sống, giúp các em học sinh trong trường nâng cao ý thức cảnh giác, có trách nhiệm hơn trong việc ngăn chặn ma túy và thuốc lá điện tử, phòng tránh bạo lực học đường, khuyến khích các em chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, đồng thời góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, trong sạch và lành mạnh.