Nâng mức vay vốn hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động
Bổ sung nguồn vốn, tăng hạn mức vay
Thông qua chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện đã giúp cho nhiều đối tượng lao động có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chương trình đã góp phần tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho các gia đình, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn TP tính từ khi triển khai thực hiện đến ngày 31/1/2023 là 178.635 triệu đồng, với 2.770 khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ là 1.540 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt 177.095 triệu đồng, với 2.749 khách hàng. Trong đó, vay giải quyết việc làm doanh số cho vay là 140.000 triệu đồng với 2.414 khách hàng; dư nợ đến ngày 31/1/2023 đạt 140.000 đồng.
Anh Nguyễn Quang Hinh, chủ cơ sở dệt may ở thôn Thượng, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hiện đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.
Anh Hinh cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021-2022, xưởng may của tôi bị ngưng trệ sản xuất, vốn đầu tư cũng “cụt” dần. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng, tôi đã tiếp tục đầu tư thêm móc móc, nguyên vật liệu vượt qua những khó khăn. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nguồn vốn vay đã phát huy, hiệu quả khiến cơ sở phục hồi sản xuất nhanh hơn”.
Anh Lê Ngọc Lâm, tổ dân phố 6, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông vay vốn để phát triển nghề rèn truyền thống |
Gia đình anh Lê Ngọc Lâm, ở làng nghề rèn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội đã làm nghề rèn hàng chục năm nay. Nhờ được vay 70 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm, gia đình anh mạnh dạn đầu tư mua máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Lò rèn của anh Lâm còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định.
Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ người lao động, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là lao động bị mất việc làm từ các thành phố lớn, khu công nghiệp trở về địa phương. Vì vậy, nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn.
Hiện nguồn vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động. Trên địa bàn vẫn còn nhiều hộ làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, gặp khó khăn trong học nghề và chuyển đổi nghề mới và cả tiếp cận nguồn vốn vay. Các đối tượng như người lao động bị khuyết tật, người ra tù, người sau cai nghiện ma túy… vẫn khó tìm việc làm.
Đề xuất tăng cường nguồn vốn ngân sách
Để nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm, theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố phải bảo đảm nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong trường hợp không đáp ứng đủ nguồn lực, thành phố cần có cơ chế linh hoạt, tạo thuận lợi cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các nguồn lực để tăng nguồn vốn vay; đồng thời, tăng cường nguồn vốn ngân sách cấp huyện để triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Hoạt động đối chiếu nợ tại các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội |
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững; đồng thời, tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống và ngày càng phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện tiếp tục phối hợp với các ban ngành đoàn thể đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện sử dụng vốn vay, đôn đốc, khuyến khích người vay vốn tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật như: Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…để nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh.