Nguồn vốn ngân hàng Chính sách xã hội giúp thanh niên khởi nghiệp
Đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp
Hằng năm, tỉ lệ thanh niên bước vào tuổi lao động cao nên công tác hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên luôn được Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về vay vốn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội.
Cách đây 2 năm, anh Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1992), xã Tân Lập, huyện Đan Phượng vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ số tiền được vay này cộng thêm một ít vốn dành dụm trước đó, anh đã xây dựng mô hình trồng bưởi.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội huyện Đan Phượng thăm mô hình trồng bưởi của hội viên Hội Nông dân xã Tân Lập |
Nhờ nhanh nhẹn, hoạt bát tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong dịp Lễ, Tết cùng với sự chú trọng chất lượng của từng quả bưởi, giá cả phù hợp nên việc kinh doanh của anh Huy ngày càng thuận lợi. Ngoài việc có thu nhập, trả lãi hằng tháng, anh đã trả được một phần gốc theo hình thức gửi góp tại ngân hàng. Tuy mới khởi nghiệp nhưng anh Huy vẫn hỗ trợ tổ chức dạy nghề cho nhiều thanh niên và hướng dẫn họ vay vốn theo kênh này để khởi nghiệp.
“Nhờ có nguồn vốn cho vay do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội, tôi và nhiều thanh niên đã lập thân, khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương. Những thành công bước đầu này sẽ tạo động lực lập nghiệp cho nhiều đoàn viên, thanh niên khác”, anh Huy chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng, trong thời gian qua, đơn vị đã triển khai cho vay giải quyết việc làm, giúp nhiều lao động tại địa phương có điều kiện khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai với mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và không quá 100 triệu đồng/lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay chương trình hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ từng thời kỳ, hiện nay là 7,92%/năm.
Riêng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số hoặc 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số được hưởng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành, hiện nay là 3,96%/năm.
Đối tượng cho vay chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình có mục đích sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Tính đến hết năm 2022, phòng giao dịch đã cho 2.390 lao động vay số tiền 112,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 31/12/2022 lên hơn 298,2 tỷ đồng, với 6.523 lao động còn dư nợ. Nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm trên địa bàn huyện.
Nhờ nguồn vốn vay ủy thác này, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Đan Phương đã có điều kiện khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên với thu nhập hằng năm từ 100 triệu đồng/mô hình/năm trở lên.
Gỡ “vướng” để thanh niên lập nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho thanh niên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm; góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập; nâng cao đời sống cho thanh niên.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2023, số vốn ngân sách thành phố bổ sung là 90 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 830,886 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.911 người lao động.
Nhiều thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ |
Các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công của đoàn viên, thanh niên thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau như: Nuôi trồng thủy sản, kinh tế vườn đồi, trang trại tổng hợp, tiểu thủ công kết hợp du lịch, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp...
Tuy nhiên, nhu cầu của thanh niên được vay vốn để phát triển là rất lớn nhưng nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện vay vốn chính sách đối với thanh niên tại nhiều địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là không ít thanh niên khởi nghiệp chưa qua đào tạo nghề, lập nghiệp tự phát. Đối với doanh nghiệp của thanh niên khởi nghiệp chủ yếu nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao.
Vì vậy, để hỗ trợ tốt cho thanh niên lập thân, khởi nghiệp từ vốn tín dụng chính sách, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực nhiều hơn nữa từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư với hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thủ đô.