NAPAS trình làng nhiều công nghệ, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt
Ứng dụng công nghệ AI đảm bảo an toàn giao dịch thanh toán trực tuyến
Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” vinh dự được đón tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước - NHNN…), cùng một số Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo sở ban ngành các địa phương.
Trong chương trình, lãnh đạo NAPAS đã trình bày tham luận “Ứng dụng công nghệ AI đảm bảo an toàn giao dịch thanh toán trực tuyến”. Nội dung tham luận giới thiệu về công nghệ xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến bằng thẻ NAPAS, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch trực tuyến.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được NHNN đặt ra tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN “Về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến ngân hàng và thanh toán thẻ ngân hàng”, trong đó yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ triển khai giải pháp xác thực 3D Secure (hoặc tương đương) cho việc thanh toán trực tuyến...
Ông Lê Thế Chữ - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ phát biểu khai mạc hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” |
Mở đầu tham luận, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS đã đề cập đến quy mô và tiềm năng phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.
Theo "Sách trắng về TMĐT Việt Nam" do Bộ Công thương phát hành năm 2023, nước ta hiện đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan về quy mô nền kinh tế Internet.
Thống kê có 78% người dùng internet thực hiện mua sắm trực tuyến, gần 90% người dùng chấp nhận các hình thức thanh toán mới như thẻ, tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Trong số đó, 81% mong muốn sử dụng các ứng dụng thanh toán của ngân hàng để mua hàng trực tuyến.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, báo cáo cũng cho thấy một số rào cản đối với sự phát triển của thương mại điện tử chính là tâm lý e ngại bị lộ thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến, thao tác phức tạp khi tương tác đặt hàng trên website thương mại điện tử, quá trình thanh toán, xác thực giao dịch...
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển các giao dịch thương mại điện tử, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ hỗ trợ thanh toán đã và đang triển khai nhiều giải pháp đem lại trải nghiệm đồng nhất, nhanh chóng và an toàn bảo mật cho người dùng trong hoạt động thanh toán trực tuyến.
“Gần 20 năm trước khi NAPAS triển khai bán vé máy bay trực tuyến trên website của các hãng hàng không như Vietnamailines, Pacific, khách hàng phải dùng trình duyệt web trên máy tính (PC) để thực hiện giao dịch.
Đến nay, có thể thấy xu hướng các trang thương mại điện tử đều đang hỗ trợ sử dụng từ trình duyệt PC sang điện thoại di động. Thực tế là hiện nay đa số khách hàng giao dịch trên các nền tảng bán hàng TMĐT qua ứng dụng riêng trên điện thoại thông minh”, ông Hùng cho biết.
Đề cập đến quá trình xác thực khách hàng, theo ông Hùng, trước đây các ngân hàng đều sử dụng giải pháp xác thực bằng mật khẩu dùng 1 lần (One time password - OTP), trong 1 số trường hợp ngân hàng yêu cầu thêm lớp xác thực khác nhau.
Việc này phụ thuộc vào quan điểm, khẩu vị rủi ro của các ngân hàng phát hành. Điều đáng nói, các lớp xác thực này sẽ tác động trực tiếp đến trải nghiệm liền mạch của khách hàng.
Giải pháp xác thực giao dịch trực tuyến 3D secure cho thẻ nội địa do NAPAS đang triển khai sẽ giúp cân bằng yếu tố an toàn, bảo mật và sự tiện lợi cho khách hàng.
Giải pháp hỗ trợ các phương thức xác thực bằng sinh trắc học hiện đại (vân tay, nhận diện khuôn mặt) và đánh giá rủi ro giả mạo dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tùy chỉnh yêu cầu xác minh bổ sung, giảm thiểu nguy cơ bị gian lận giả mạo trong giao dịch trực tuyến của khách hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo |
Thông qua việc trao đổi dữ liệu giao dịch lớn hơn nhiều so với trước đây, các ngân hàng có thể biết được thông tin về thiết bị, vị trí giao dịch, giá trị giao dịch...; từ đó phân tích với dữ liệu lịch sử đã ghi nhận trước đó để phân tích, đánh giá rủi ro, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn cách thức xác thực khách hàng phù hợp, mang lại trải nghiệm thanh toán tốt hơn cho khách hàng.
Ông Hùng đưa ra ví dụ: “Tôi không có thói quen mua sắm và thanh toán trong giờ làm việc. Tôi thường thực hiện nó sau 10 giờ tối, trước khi đi ngủ. Nếu thường xuyên có hành vi như thế thì việc chấp nhận thanh toán của tôi vào thời điểm này sẽ được ngân hàng thực hiện gần như ngay lập tức, không có thêm yêu cầu xác thực.
Trong trường hợp hành vi giao dịch đó thực hiện vào lúc 8h sáng hoặc thời điểm khác trong ngày thì sẽ xuất hiện thêm các yêu cầu xác thực khác để đảm bảo rằng tôi đúng là người thực hiện giao dịch này, chứ không phải người khác”.
Như vậy có thể thấy, so với quy trình xác thực trước đây vốn ít linh hoạt và thường yêu cầu người dùng nhập mã OTP, giải pháp xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến 3D Secure mang lại trải nghiệm liền mạch cho người dùng, nâng cao an toàn và bảo mật trong thanh toán trực tuyến, hỗ trợ gia tăng doanh số thương mại điện tử của các đơn vị bán hàng.
Đặc biệt, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thể tích hợp giải pháp trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả trang web và ứng dụng trên thiết bị di động.
Trong vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng thanh bán lẻ quốc gia, cổng thanh toán của NAPAS đã kết nối với 44 ngân hàng và công ty tài chính, 46 đơn vị trung gian thanh toán, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia và ứng dụng VNeID cho phép người dân có thể lựa chọn đa dạng các hình thức thanh toán dịch vụ công trực tuyến thuận tiện, nhanh chóng.
Công nghệ thanh toán qua nhận dạng khuôn mặt
Cũng trong sự kiện Lễ hội không tiền mặt diễn ra từ 14 -16/6 tại tuyến phố Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh, NAPAS đã phối hợp ngân hàng PVcombank tổ chức hoạt động trải nghiệm công nghệ thanh toán sinh trắc học - một phương thức thanh toán dựa trên công nghệ xác thực bằng nhận dạng khuôn mặt của người dùng.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc NAPAS trình bày tham luận tại hội thảo |
Công nghệ thanh toán mới này không chỉ mang lại trải nghiệm thanh toán nhanh chóng, thân thiện với người dùng, mà còn đáp ứng các quy định mới nhất của NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng.
Khách hàng chỉ cần “nở một nụ cười” trong lúc quét nhận dạng khuôn mặt là đã có thể hoàn tất giao dịch thanh toán từ tài khoản của khách hàng một cách nhanh chóng (Pay with a smile).
Việc nhận dạng được tiến hành dựa trên khuôn mặt của người dùng được lưu trên hệ thống ngân hàng và sẽ được so khớp với các yếu tố đảm bảo trên căn cước công dân gắn chíp của Bộ Công an phát hành.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp để đánh giá rủi ro giả mạo, giúp giảm thiểu tối đa các nguy cơ mất tiền và gian lận trong giao dịch.
Công nghệ thanh toán xác thực bằng nhận dạng khuôn mặt của người dùng đang là xu hướng thanh toán tại Trung Quốc và một số nước trên thế giới. Tại Việt Nam, NAPAS đang phối hợp với các ngân hàng triển khai thử nghiệm.
Khi chính thức đưa vào hoạt động, dịch vụ sẽ giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng cũng như tính năng an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán.
Đại diện lãnh đạo NAPAS nhận kỷ niệm chương của chương trình |
Ngoài hoạt động trải nghiệm công nghệ thanh toán nói trên, NAPAS cũng dành tặng hàng ngàn quà tặng cho khách hàng khi đến thăm quan và trải nghiệm thanh toán chạm thẻ NAPAS trong thời gian diễn ra Lễ hội không tiền mặt. Khách hàng sẽ được nhận nhiều phần quà hấp dẫn từ NAPAS và đối tác như thú bông, trà sữa Koi Thé, túi đeo thời trang, bình nước thể thao...
Ý nghĩa của việc triển khai các hoạt động trải nghiệm thanh toán của NAPAS nhằm giới thiệu các công nghệ thanh toán mới cũng như nâng cao sự hiểu biết của người dân về những tiện ích của các phương thức thanh toán điện tử, từ đó giúp chuyển biến thói quen sử dụng không tiền mặt trong chi tiêu, thanh toán hàng ngày của người dân.