Nền tảng số “Make in Việt Nam” nâng tầm nông sản Việt
Chuyển đổi số - xu hướng toàn cầu
Chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số giúp kết nối hàng triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại, doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho sản xuất.
Đặc biệt, chuyển đổi số, mở ra kênh tiêu thụ mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, minh bạch hoá giao dịch thương mại. Từ đó, chuyển đổi số tạo nên môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh.
Để phát triển bền vững trong tương lai, nông nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và an toàn trong nông nghiệp.
Thực tế, nông nghiệp thời đại 4.0 cần cải tiến triệt để các phương thức sản xuất quy mô nhỏ, hướng đến các mô hình, vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến, bảo quản theo đúng quy trình, gán nhãn và gắn định vị sản phẩm rõ ràng. Điều này sẽ tạo nên những sản phẩm “tinh hoa” đến tay người tiêu dùng.
Cán bộ Bưu điện Đồng Tháp hướng dẫn người dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn |
Với mong muốn kết nối chuỗi giá trị vật chất, góp phần số hoá nông nghiệp, nông thôn, chung tay đưa nông sản Việt tiếp cận đông đảo người tiêu dùng trên môi trường số, vừa qua, Bộ Thông tin truyền thông tổ chức toạ đàm với chủ đề “Minh bạch, đa giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn”.
Đánh giá trong buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Bưu chính - bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh cho biết: “Chuyển đổi số được xem là cơ hội, thách thức cho lĩnh vực nông nghiệp nước nhà để hướng đến sự phát triển bền vững và lâu dài; Đồng thời nâng tầm giá trị của nông sản Việt, hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững.
Từ những giá trị sẵn có của một nền nông nghiệp trù phú, nhiều sản vật đã được định hình thương hiệu quốc gia như nhãn, vải thiều, thanh long, chuối…
Tuy nhiên, để tiếp cận nhiều hơn với đối tượng người tiêu dùng, từ thực tế phòng chống dịch vừa qua, cần thiết phải làm thêm một bước là “chuyển đổi” người nông dân truyền thống trở thành những nông dân số”.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn những sản phẩm chất lượng, giá gốc trên sàn thương mại điện tử |
"Nông dân số" sẽ thành thạo việc ứng dụng và sử dụng các nền tảng công nghệ để đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như môi trường số hiện nay. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo sự minh bạch, đa giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Được biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định 1034/QĐ-BTTT ngày 21/7/2021 với mục tiêu đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Bộ cũng kỳ vọng vào mục tiêu 24 triệu hộ trong thời gian tới sẽ căn bản thay đổi phương thức tiếp cận, sản xuất, tiêu dùng.
Đồng Tháp đẩy mạnh mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư, nhờ có nền tảng số “Make in Việt Nam”, đặc biệt là sản thương mại điện tử Postmart.vn, hàng ngàn tấn nông sản đã được tiêu thụ thông qua hệ thống sàn thương mại điện tử và cửa hàng Postmart do Bưu điện Việt Nam phát triển và vận hành.
Minh chứng cho điều trên là nỗ lực số hoá nông sản Việt tại Đồng Tháp - một tỉnh miền Nam với khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây nông nghiệp, cây ăn trái phát triển, tạo ra nhiều loại nông sản đặc sản như: Nhãn xuồng, ổi, xoài, cam, quýt… và nhiều loại đặc sản khác.
Bưu điện tỉnh Đồng Tháp là đơn vị trực tiếp vận hành và thực hiện các kế hoạch hỗ trợ nông dân trong đại dịch cũng như “đưa” nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Tính đến thời điểm này đã có 255 tấn trái cây, nông sản các loại của Đồng tháp được tiêu thụ qua kênh Bưu điện và có 23.694 hộ sản xuất tham gia sàn.
Toạ đàm do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm thúc đẩy nông nghiệp số |
Tại buổi toạ đàm mới đây do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với chủ đề “Minh bạch, đa giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn”, ông Nguyễn Hồng Phi, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Tháp trăn trở: “Làm sao để nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19? Đây là một bài toán mà Bưu điện tỉnh cũng như Bưu điện Việt Nam đang đau đáu triển khai nhằm hỗ trợ cho người nông dân một cách tốt nhất”.
Thực tế, với mạng lưới vận chuyển phủ kín của Bưu điện Việt Nam, những nông sản của Đồng Tháp và những tỉnh thành khác đã nhanh chóng được vận chuyển đến các nhà máy chế biến, các hệ thống siêu thị, cửa hàng, các kho hàng chuyên dụng trên ở khắp mọi nơi.
Thông qua những kết quả và giá trị thực tiễn mà Bưu điện Đồng Tháp đã làm được, người dân đã phần nào thấy được lợi ích từ việc tiêu thụ nông sản qua kênh này. Từ đó, nông dân chủ động và tích cực tham gia, chuyển đổi cách thức canh tác, trồng trọt, đưa ra nhiều sản phẩm đạt chuẩn và tổ chức vận hành tiêu thụ trên nền tảng công nghệ số.
“Với những nền tảng số hiện có, chúng tôi tự tin với một hệ sinh thái số từ định danh đến thanh toán điện tử, chúng tôi tin và cam kết với người dân sẽ đồng hành cùng người nông dân để tạo nên những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng”, ông Nguyễn Hồng Phi chia sẻ thêm.
Mô hình gắn du lịch và tiêu thụ nông sản ở Đồng Tháp đã phần nào phát huy hiệu quả nhờ sự hỗ trợ tích cực của Bưu điện Đồng Tháp |
Có thể thấy ở Đồng Tháp, nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, mô hình này vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn,thân thiện với môi trường.
Thúc đẩy mô hình này, tỉnh Đồng Tháp đã đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể để gắn kết liên ngành, tạo ra hướng đi mới nhiều triển vọng...
Hiện nay trên địa bàn Đồng Tháp có 60 điểm du lịch nông nghiệp đang hoạt động và hơn 40 điểm đang xây dựng. Đây là số lượng tương đối lớn đối với một mô hình du lịch nông nghiệp mới được triển khai ở Đồng Tháp.
“Việc triển khai du lịch nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh khi mở rộng được không gian du lịch và tăng được thu nhập gấp 2 đến 3 lần cho bà con nông dân.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Tháp cũng như các sở, ban, ngành đã xác định du lịch nông nghiệp là một chiến lược cần phải được triển khai bài bản, có sự kết nối giữa các đơn vị nhằm mang lại hiệu quả cao hơn nữa, góp phần giúp cho người nông dân ổn định cuộc sống và sản xuất”, ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch cho biết.
Việc đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử đang được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt Nam.
Đây không chỉ là một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt, liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
Các ý kiến trong buổi toạ đàm ngày cũng cho rằng, thương mại điện tử phát triển sẽ cần có hạ tầng hậu cần tương ứng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số nông thôn.
Để làm được đó, ngoài sự nỗ lực của các sàn thương mại điện tử trong việc hỗ trợ bà con nông dân thì còn cần sự vào cuộc liên ngành của cơ quan nhà nước cũng như của các doanh nghiệp logistics (khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng nhanh nhất) mà Bưu điện Việt Nam là một doanh nghiệp có lợi thế lớn nhất hiện nay trong việc giải quyết bài toán đa giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Chuyển đổi số mang đến lợi ích to lớn cho người nông dân mà ở đó người dân sẽ vượt qua được điểm yếu cỗ hữu là phụ thuộc vào thương lái, bị động trong việc tìm đầu ra tiêu thụ nông sản do chính mình sản xuất. Bằng việc áp dụng thành công chuyển đổi số trong nông nghiệp, giờ đây nông dân có thể dễ dàng giới thiệu nguồn gốc, quy trình canh tác đến với người bán, qua đó mang đến cho người tiêu dùng sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng của nông sản. Ngoài ra, người nông dân còn chủ động trong việc tìm kiếm đối tác bán buôn cũng như có thể bán lẻ, các nhà máy chế biến nông sản của mình đến với người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn không giới hạn địa lý. |