NEU đưa ra 3 kịch bản dự báo tác động của dịch Covid-19
Dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế
Bài liên quan
Bức tâm thư xúc động của cô học trò lớp 4 gửi các “chiến sĩ áo trắng”
13 hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý nghiêm
Chung tay chống dịch Covid-19, Lamborghini tham gia sản xuất khẩu trang
TP HCM: Hỗ trợ gần 9 tỷ đồng cho người bán vé số gặp khó khăn
Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh |
Đây là những con số được nêu ra trong báo cáo của trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam vừa được công bố sáng 3/4.
Báo cáo đã tập hợp những phân tích, đánh giá chuyên sâu thông qua 3 kịch bản dự báo về tác động của Covid-19 tới kinh tế tương ứng với thời gian đại dịch Covid-19 kéo dài đến hết cuối tháng 4; cuối tháng 5 và cuối tháng 6/2020.
Tại buổi công bố báo cáo, PGS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tập hợp những nhà khoa học hàng đầu để có thể đánh giá được những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị, chính sách nhằm khắc phục những tác động tiêu cực cũng như chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế sau khi vượt qua dịch bệnh.
Kết quả từ cuộc khảo sát của Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể như cắt giảm chi phí hoạt động, giờ làm, nhân công |
PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, để khắc phục các khó khăn do dịch bệnh gây ra, báo cáo cũng đã chỉ ra những giải pháp của Chính phủ hiện nay đang thực hiện cũng như những khuyến nghị mới, đặc biệt là việc Chính phủ đang tập trung toàn bộ nguồn lực phòng chống dịch.
Kết quả nghiên cứu của báo cáo này cho thấy, nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.
Bản báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn dịch bệnh và hậu Covid-19. Đến thời điểm này, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam.
Nhóm tác giả thực hiện đề tài gồm nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã làm việc hết sức khẩn trương, phân tích suốt thời gian từ lúc bắt đầu phát dịch tại Việt Nam đến nay, với khối lượng dữ liệu lớn từ các Bộ, ngành của Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng với điều tra riêng hơn 500 doanh nghiệp; sử dụng nhiều phương thức đặc thù khi hạn chế tiếp xúc xã hội do dịch bệnh.
Trong báo cáo có đưa ra các kịch bản tác động của dịch Covid-19, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị, các giải pháp chính sách để vượt qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh đại dịch tác động lên nền kinh tế với các nội dung như: Diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam; Tác động đến kinh tế thế giới và các phản ứng chính sách; Các kịch bản đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và đánh giá tác động; Khuyến nghị chính sách và các giải pháp...
Bản báo cáo đã đưa ra các quan điểm và định hướng chính sách, cùng với 11 nhóm giải pháp đối với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng; nhóm giải pháp với Bộ Tài chính; nhóm giải pháp hỗ trợ BHXH cho doanh nghiệp và an sinh xã hội; Nhóm giải pháp đối với các doanh nghiệp.
Bản kiến nghị cũng được trường gửi đến Chính phủ và các cơ quan Bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo cho biết, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn: Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt; Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt.
Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý II thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020) chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.
Trong mọi trường hợp, nhà nước cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, tránh xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.
Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngắn hạn, những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tàu để từ đó lan sang các khu vực khác.