Ngăn chặn nạn nhân chuyển 2,2 tỷ đồng cho tội phạm lừa đảo
Nhờ Công an phường can thiệp kịp thời
Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa cho biết, khoảng 15h10 ngày 23/8, bà P.T.S (SN 1958, trú tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Cửa Nam trong trạng thái sợ hãi. “Chú Công an ơi, cứu tôi với”, đó là câu nói khi bà S khi nhìn thấy Đại úy Nguyễn Văn Đô - Cán bộ Công an phường Cửa Nam.
Sau một lúc được động viên trấn tĩnh, bà S kể lại, thấy chồng bà là ông K.V.T liên tục nghe điện thoại, sau đó có biểu hiện rất bồn chồn, lo lắng nên có hỏi chồng nhưng ông T kiên quyết không nói gì. Do được Công an quận Hoàn Kiếm và Công an phường Hàng Trống tuyên truyền nhiều lần nên bà S nghi ngờ chồng mình bị tội phạm lừa đảo “tấn công”, thao túng tâm lý. Thấy ông T dắt xe ra khỏi nhà, bà S vội đuổi theo nhưng không kịp.
Trong lúc hoang mang, không biết phải làm sao thì bà S nhìn thấy trụ sở Công an phường Cửa Nam nên người phụ nữ này chạy vào kêu cứu. Ngay sau đó, Đại úy Đô đã báo cáo Ban Chỉ huy Công an phường và cùng bà S đi tìm ông K.V.T.
Vợ chồng bà S xúc động cảm ơn sự tận tụy, nhiệt tình của Đại úy Nguyễn Văn Đô và các cán bộ Công an phường Cửa Nam |
“Qua thông tin được cung cấp cho thấy, vợ chồng bà S có khoản tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng Bảo Việt nên tôi đã kiểm tra trên mạng internet, xác định tất cả các chi nhánh của ngân hàng này rồi cùng bà S đi tìm ông T” - Đại úy Nguyễn Văn Đô cho biết.
Rất may, khi tới chi nhánh Ngân hàng Bảo Việt tại địa chỉ 94 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, bà S đã nhận ra xe máy của chồng để trên vỉa hè. Đại úy Nguyễn Văn Đô đã cùng bà S lên tầng 2 của tòa nhà, nơi ngân hàng Bảo Việt đặt trụ sở, và ngay lập tức thông báo với ngân hàng tạm dừng giao dịch của ông K.V.T.
“Tôi phải thông báo luôn việc ông T đang có nguy cơ bị đối tượng giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại để chuyển tiền. Qua kiểm tra, ngân hàng xác nhận ông T đã hoàn thành thủ tục rút 4 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng” - Đại úy Đô thông tin thêm.
Làm việc với ông T tại ngân hàng, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam cũng xác định, nạn nhân bị đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ Công an thành phố Hà Nội đe dọa có liên quan đến một đường dây ma túy, nếu không chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch thì sẽ bị bắt.
Đại úy Đô đã giải thích và phân tích tình hình cho ông T, giúp ông hiểu rằng mình đang trở thành mục tiêu của một vụ lừa đảo công nghệ cao. Nhờ sự can thiệp kịp thời, toàn bộ số tiền 2,2 tỷ đồng của gia đình ông T đã được bảo toàn, không để đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Chia sẻ sau vụ việc, Đại úy Nguyễn Văn Đô nói, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân là trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm. Do vậy, dù bị hại là ai, ở đâu thì khi nhận được thông tin cũng sẽ cố gắng giúp đỡ với đúng tinh thần, trách nhiệm “vì Nhân dân phục vụ”.
Đây cũng là một trong số những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm công nghệ cao mà Công an quận Hoàn Kiếm đã ngăn chặn kịp thời. Qua đó, Công an phường Cửa Nam cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trước những cuộc gọi, tin nhắn từ các đối tượng mạo danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản. Khi có nghi ngờ, cần báo ngay cho cơ quan Công an để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
Khi đến ngân hàng, ông T vẫn đang bị tội phạm "đe dọa", lúc này Đại úy Nguyễn Văn Đô đã vạch trần thủ đoạn lừa đảo của đối tượng để cho nạn nhân thấy |
Cảnh giác tội phạm giả nhân viên thuế
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo tiếp tục sử dụng thủ đoạn giả mạo nhân viên cơ quan thuế yêu cầu người dân cài phần mềm giả mạo app của Tổng cục Thuế trên các trang web giả mạo, ngụy trang là truy cập vào kho ứng dụng Google Play Store (CHPlay).
Khi đã lừa được nạn nhân bấm vào link để tải ứng dụng giả mạo dạng “.apk” về, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân cài đặt app và chấp nhận toàn bộ quyền cho ứng dụng để hoạt động. Đặc điểm của các ứng dụng giả mạo thường sẽ yêu cầu rất nhiều quyền, trong đó có quyền truy cập dữ liệu, quyền chụp ảnh màn hình, thậm chí là quyền trợ năng để điều khiển được điện thoại từ xa.
Nếu người dùng đồng ý, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân từ xa, và mục tiêu chính chúng nhắm đến là thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán. Khi đã có thông tin của người dùng, các đối tượng lừa đảo sẽ dùng nhiều chiêu trò để có được mã OTP chuyển tiền hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.
Đại úy Nguyễn Văn Đô làm việc với ngân hàng Bảo Việt chi nhánh 94 Bà Triệu, phân tích thêm thủ đoạn của tội phạm và hướng dẫn cách nhận diện nạn nhân trong các vụ lừa đảo qua mạng |
Khách hàng khi thực hiện các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc khi thực hiện giao dịch đầu tiên khi cài đặt mới hoặc cài đặt lại ứng dụng di động trên thiết bị mới sẽ cần bổ sung bước xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt.
Vì vậy các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng các lý do để yêu cầu người dùng xác thực khuôn mặt nhiều lần để thực hiện chuyển số tiền lớn trong tài khoản của nạn nhân. Và mới đây, anh V (trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã “sập bẫy”, bị các đối tượng rút gần 1 tỷ đồng chỉ trong vòng 2 phút trước khi khóa tài khoản.
Cụ thể, sau khi anh V nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là nhân viên Chi cục thuế Hoàng Mai yêu cầu anh vào Zalo xác thực các thông tin về công ty mới lập của anh để đăng tải lên Cổng dịch vụ công.
Vì thấy các thông tin về công ty của anh là đúng, anh đã hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn của “nhân viên Chi cục thuế”; tải ứng dụng do đối tượng cung cấp để đồng bộ thông tin, đăng nhập số tài khoản ngân hàng, xác thực khuôn mặt 2 lần để hoàn thành.
Đến lần xác thực khuôn mặt thứ hai, anh V nghi ngờ bị lừa, lập tức gọi điện đến Tổng đài của Ngân hàng và yêu cầu khóa tài khoản, hạn chế được số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 phút trước khi khóa tài khoản, các đối tượng đã thực hiện 2 giao dịch, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản của anh V.
Để phòng tránh chiêu thức lừa đảo nêu trên, cơ quan Công an đề nghị người dân lưu ý, khi có nhu cầu sử dụng các ứng dụng, người dân chỉ nên tải app trên các kho ứng dụng uy tín, cụ thể là CHPlay và App Store. Đồng thời, tuyệt đối không được cấp cho ứng dụng toàn quyền điều khiển thiết bị.
Hiện nay số người dùng bị lừa cài phần mềm giả mạo sau đó bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng ngày càng tăng cao, có người bị mất hàng chục tỷ đồng bởi hình thức lừa đảo này. Người dân cần chung tay với cơ quan Công an để nâng cao cảnh giác, lan tỏa thông tin về các dấu hiệu nhận diện, cách thức phòng tránh lừa đảo một cách nhanh, sớm nhất đến mọi người nhằm bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.