Ngăn chặn tin giả, sai sự thật: Cần "mạnh tay" xử lý
Chiều 19/7, vừa qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh một người đàn ông trung niên tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và kèm bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch Covid-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định đối tượng Phan Vũ Điệp Anh (SN 1961, ở Phường 19, quận Bình Thạnh) đã cắt ghép ảnh, đăng tin xuyên tạc, sai sự thật. Hành vi này của đối tượng đã gây hoang mang cho người dân thành phố, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đối tượng Phan Hữu Điệp Anh bị khởi tố, bắt giam về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật |
Ngày 21/7, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối tượng Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, ngụ tại đường Ngô Tất Tố, Phường 19, quận Bình Thạnh) theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.
Thông tin sai sự thật được Phan Hữu Điệp Anh đăng tải trên mạng xã hội Facebook |
Trước đó tại Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã xử phạt hành chính đối với 6 chủ tài khoản Facebook có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vi phạm quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc vi phạm trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận các quyền tự do cơ bản của công dân trong đó có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận cũng phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Luật An ninh mạng quy định, người nào đưa những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, làm tổn hại đến uy tín của Nhà nước thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm xử lý các vụ việc đăng tin giả, xuyên tạc, sai sự thật |
Kết quả điều tra xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng Phan Vũ Điệp Anh đã đưa nhiều thông tin bịa đặt, vu khống, sai sự thật trên không gian mạng gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước và lực lượng phòng, chống dịch bệnh. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý với đối tượng nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân mà ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì chế tài có thể lên đến 7 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân động cơ, làm rõ hành vi, mục đích và hậu quả đã gây ra cho xã hội để xử lý đối tượng này theo quy định của pháp luật; Đồng thời sẽ kiểm tra, rà soát làm rõ các đối tượng xúi giục, kích động và có những hành vi tương tự để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội |
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, thời gian gần đây hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội ngày càng nhiều đặc biệt là thông tin sai sự thật về tình hình bệnh dịch gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; Ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch bệnh, nhiều đối tượng đã bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra bởi các đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cho rằng hành vi của mình là tự do ngôn luận. Cho đến khi bị bắt, bị xử lý thì mới nhận thức được những sai phạm của mình, khi đó thì đã muộn. Những hành vi đưa tin trên mạng xã hội, "anh hùng" bàn phím để được nhiều người tung hô, theo dõi gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội nên các đối tượng này phải trả giá bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Trong hơn một năm qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở khắp các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Dịch bệnh khiến nhiều người mất việc làm, không có thu nhập, kinh tế suy thoái, tăng thêm gánh nặng ngân sách, tiêu tốn nhiều công sức, thậm chí xương máu của lực lượng phòng chống dịch.
Chính vì tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh và sự tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội và cuộc sống của mỗi người dân nên rất nhiều người quan tâm thông tin về dịch bệnh.
Lợi dụng nhu cầu thông tin của người dân gia tăng nên nhiều đối tượng đã đưa tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, chống phá chính quyền Nhân dân hoặc đơn giản chỉ để câu view, câu like nhằm biến mình trở thành nổi tiếng, để phục vụ cho việc kinh doanh online trên mạng xã hội. Ngoài ra, một số người vì thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội, tiếp nhận những luồng tin chưa được kiểm chứng đã đăng tải, thậm chí xuyên tạc trên mạng xã hội...
Đưa tin sai sự thật trên không gian mạng về dịch bệnh Covid-19 là một trong những hành vi nguy hiểm, tác động tiêu cực tới xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận. “Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, quản lý tốt xã hội thì cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp từ hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Thông tin truyền thông phải được đề cao hơn nữa để có những thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh cũng như các giải pháp phòng chống dịch, đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật. Các đơn vị chức năng tăng cường tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước đối với những vùng bị dịch bệnh chúng ta mới sớm đầy lùi được “giặc” Covid”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. |