Ngăn chặn tình trạng bỏ cọc trong đấu giá biển số xe
Bỏ cọc sẽ gây nhiều hệ lụy
Từ khi bắt đầu đấu giá biển số xe ô tô đến nay, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam (VPA), đơn vị được Bộ Công an lựa chọn, ký hợp đồng tổ chức đấu giá biển số xe ô tô đã tổ chức 3 phiên đấu giá. Trong đó, phiên đấu giá thứ 1 có 153.000 biển số, phiên đấu giá thứ 2 có 288.668 biển số, phiên đấu giá thứ 3 có 188.399 biển số.
Tại họp báo Bộ Công an quý I/2024, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong thời gian qua, thực hiện đấu giá biển số xe ô tô, Cục Cảnh sát giao thông đã thu về hơn 1.500 tỷ đồng để nộp ngân sách Nhà nước.
Bộ Công an đánh giá, việc đưa biển số xe ô tô vào đấu giá đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đáng nói, dù đã đạt được hiệu quả tốt, nhưng trong cả 3 phiên đấu giá đều tồn tại tình trạng bỏ cọc, đặc biệt là đối với các biển số VIP.
Đó là lí do vì sao, nhiều người thấy ở phiên đấu giá lần thứ 3 diễn ra vào đầu tháng 4 này, nhiều biển số đã từng được đấu giá thành công trở lại sàn đấu. Giá chốt thành công ở lần tiếp theo cũng thấp hơn rất nhiều so với lần đầu tiên đấu giá thứ nhất.
![]() |
Biển số 30K-567.89 được đưa ra đấu giá 3 lần |
Điều này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không tình trạng thổi giá trong đấu giá biển số xe? Và phải chăng mức cọc đối với biển số xe hiện nay đang thấp (chỉ 40 triệu đồng) lại thêm không có quy định phạt nếu bỏ cọc nên tình trạng này diễn ra liên tiếp?
Trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ kéo theo không ít hệ lụy, gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng để tổ chức một phiên đấu giá biển số xe ô tô cần chuẩn bị rất nhiều khâu. Với đơn vị tổ chức, sự đầu tư nằm ở chi phí vận hành phần mềm, đường truyền và hạ tầng có liên quan. Với cơ quan quản lý, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phải bố trí lực lượng để giám sát quá trình đấu giá. Như vậy, chi phí về cả nhân lực, vật lực là không hề nhỏ. Nếu người trúng đấu giá bỏ cọc, đồng nghĩa lượt đấu giá (kéo dài trong 1 giờ) coi như không đạt kết quả, sẽ phải tổ chức phiên khác để đấu giá lại biển số đó.
Luật sư Thúy đặt vấn đề: Liệu số tiền 40 triệu đồng thu từ đặt cọc có bù được các chi phí đã bỏ ra cho một lượt đấu giá hay không, chưa kể những tác động tiêu cực mang lại đối với hoạt động đấu giá biển số xe.
Cần có những biện pháp cứng rắn hơn
Bất cứ tài sản nào khi mang đấu giá đều phải được định giá và xác định giá sàn. Từ giá sàn sẽ quy định tỷ lệ đặt cọc tương ứng. Đối với biển số xe ô tô, hiện nay giá khởi điểm đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Mức giá này được nhiều người đánh giá là thấp so với giá trị biển số, đặc biệt là các biển số siêu VIP như tứ quý, ngũ quý hoặc sảnh tiến.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho hay, quy định hiện hành không cấm người trúng đấu giá bỏ cọc. Nếu bỏ cọc, người trúng đấu giá sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc, biển số sẽ được đưa về kho để đấu giá lại.
Cũng theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, việc người dân tham gia đấu giá, trúng đấu giá và ký vào biên bản trúng đấu giá là hợp đồng dân sự; người ký sẽ phải có ý thức thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá biển số, chỉ trông chờ vào ý thức của người tham gia đấu giá là chưa đủ, mà cần có những biện pháp mang tính cứng rắn hơn.
![]() |
Cục Cảnh sát giao thông trao biển số cho người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính |
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề xuất tăng mức tiền đặt cọc, nhất là với các biển số xe có giá trị cao. Mức đặt cọc 40 triệu đồng so với giá trị các biển số trúng đấu giá vài tỉ đồng vẫn còn quá thấp; người tham gia đấu giá nếu không vì mục đích sở hữu biển số sẽ sẵn sàng bỏ cọc để thực hiện ý đồ của mình.
Cũng theo ông Hòa, ngoài việc mất tiền đặt cọc, chưa có chế tài nào đối với người “hủy kèo” đấu giá biển số. Ông kiến nghị áp dụng hình thức cấm tham gia các phiên đấu giá biển số tiếp theo nếu người trúng đấu giá bỏ cọc; đồng thời xem xét công nhận kết quả đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba...
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng tăng tiền đặt cọc không phải là biện pháp tối ưu để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc. Thay vào đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng chế tài bằng việc xử phạt hành vi bỏ cọc theo phần trăm số tiền trúng đấu giá.
"Lấy ví dụ biển số 51K-888.88 với số tiền trúng đấu giá hơn 32 tỉ đồng, nếu bỏ cọc sẽ bị phạt 30%, tương ứng hơn 9 tỉ đồng", luật sư Hùng phân tích và cho rằng chế tài như vậy mới đủ sức răn đe, ngăn chặn triệt để việc bỏ giá "vô tội vạ" mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến những người thực sự muốn đấu giá.
Có thể thấy rằng, nghị quyết về thí điểm đấu giá có hiệu lực trong 3 năm kể từ ngày 1/7/2023 mới có hiệu lực thi hành 1/3 thời hạn. Do đó, những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện là khó tránh khỏi.
Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét phương án xử lý để có cách giải quyết phù hợp với thực tiễn và ngăn chặn từ sớm. Có như vậy, việc đấu giá biển số xe đẹp mới đạt được hiệu quả tốt nhất và trở thành tiền đề để mở rộng việc đấu giá biển số đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác về sau.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tỉnh Cà Mau mới có 64 phường, xã là “vựa tôm” cả nước

TP Hồ Chí Minh: Thống nhất vinh danh 60 cá nhân tiêu biểu

Xử phạt cá nhân đăng tải thông tin xúc phạm Công an Quảng Ninh

Một triệu cuốn sách lan tỏa tri thức, giúp nông dân Việt làm giàu

Trao quà cho gia đình chính sách đồng bào dân tộc Cơ Tu

Công an Hà Nội tìm bị hại vụ cướp giật điện thoại ngày 10/4

Bình Thuận cần vươn lên trở thành trung tâm năng lượng quốc gia

Đà Lạt xử lý công nợ trước khi sắp xếp đơn vị hành chính

Quận Hoàng Mai lấy ý kiến về phương án sắp xếp thành 7 phường
